Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, tiêu thụ nông sản

03/08/2021 - 10:25

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố phía nam tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Trong tình hình đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp liên tiếp gặp khó khăn, vướng mắc trong cả sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, rất cần được hỗ trợ kịp thời.

Sau khi tỉnh Tiền Giang có công văn đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tạm dừng mô hình sản xuất "ba tại chỗ" để phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị gửi đến các ngành chức năng đề nghị được tiếp tục sản xuất trong điều kiện đáp ứng tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh cho biết: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Ðức (thành viên của Vĩnh Hoàn tại Tiền Giang) đã chi hàng chục tỷ đồng để đủ điều kiện sản xuất "ba tại chỗ" cho nên khi có quyết định yêu cầu dừng sản xuất, chúng tôi thật sự rất sốc. Ðiều này sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho công ty, bởi lẽ việc thực hiện "ba tại chỗ" vốn chỉ đạt 50% công suất, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nuôi, sản xuất, xuất khẩu cá tra. Nếu giờ ngừng hoàn toàn thì công ty sẽ chịu thiệt hại kép, gây đứt gãy toàn chuỗi cung ứng do cá tra nuôi giá thành cao, kích cỡ lớn không bán được, trong khi nợ ngân hàng và rất nhiều chi phí khác vẫn phải xử lý... Ngoài ra, công ty có nguy cơ cao phải bồi thường các hợp đồng đã ký với siêu thị, đối tác nhập khẩu. Khó chồng khó, chúng tôi sợ không gánh nổi.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Tuấn

Bà Khanh cũng kiến nghị: Doanh nghiệp nào làm tốt công tác "ba tại chỗ" thì cần được tiếp tục sản xuất để giảm bớt tổn thất nặng nề do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Ðó cũng là cách doanh nghiệp giữ chân người lao động, giữ khách hàng và đóng góp một phần nhỏ trong công tác phòng, chống dịch.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Ðồng Nai) Lê Văn Quyết chia sẻ: Hợp tác xã đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ gà trắng. Giá gà trắng đã xuống mức thấp, chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg, rẻ hơn 1kg rau và có khả năng sẽ còn giảm sâu hơn nữa, nhưng hiện cũng không xuất được. Nguyên nhân là do gà phần lớn cần phải giết mổ trước khi xuất bán nhưng hiện nay hầu hết các cơ sở giết mổ đã phải đóng cửa do dịch bệnh nên toàn bộ chuỗi cung ứng bị "đứng hình". Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì người chăn nuôi vô cùng khó khăn, thua lỗ nặng nề, thậm chí không thể tái đàn trong thời gian tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai, lượng gà thịt của tỉnh xuất bán ra thị trường mỗi ngày khoảng 100.000 con, trong khi tiêu thụ nội tỉnh chỉ 5%, còn 95% là xuất đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Chính vì vậy, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Lê Văn Quyết kiến nghị các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, coi lực lượng lao động ở các cơ sở giết mổ là lực lượng tuyến đầu trong sản xuất, để có ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động, sớm mở lại hoạt động để duy trì chuỗi sản xuất. Ðồng thời có sự thống nhất trong kiểm soát dịch bệnh tại các chốt giữa tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã.

Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành phố phía nam đạt khoảng 5,09 triệu tấn. Ước sáu tháng cuối năm sản lượng thủy sản của các tỉnh đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng toàn vùng sản xuất được khoảng 483.000 tấn. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giảm (vì chủ yếu dùng cho nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) cũng đang gây khó khăn lớn cho sản xuất. Vấn đề hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ là những kiến nghị chung của hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đang nỗ lực duy trì sản xuất, chế biến để giữ vững chuỗi cung ứng trong nước cũng như bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu theo đơn hàng đã ký. Tuy nhiên theo ông Ðỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Nam Việt (An Giang), thì nếu hoạt động sản xuất tiếp tục bị gián đoạn như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản khả năng cao sẽ không bảo đảm được các đơn hàng, từ đó dẫn đến nguy cơ mất thị trường sau này.

Trước những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp nông nghiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Hiện Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) làm việc liên tục 24 giờ trong tất cả các ngày để hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp trong cả sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chia sẻ với các biện pháp chống dịch ở địa phương vì hiện nay dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, cần những biện pháp mạnh để ngăn chặn. Còn vấn đề lưu thông hàng hóa, Tổ công tác đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố làm đầu mối để giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp, thống nhất các yêu cầu về giấy tờ, xét nghiệm... khi qua các chốt kiểm soát. Các kiến nghị khác như mở lại hoạt động sản xuất "ba tại chỗ" tại một số địa phương, tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động tại các cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ..., Tổ công tác sẽ có đề xuất giải quyết.

Theo TIẾN ANH (Báo Nhân Dân)

 

 

Liên kết hữu ích