Tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thời qua đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong đó, đồng bào DTTS Khmer với điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào lao động ngoài tỉnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tịnh Biên đã nỗ lực chăm lo an sinh xã hội để bà con Khmer tại các xã An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, Núi Voi, An Hảo… từng bước vượt qua khó khăn.
Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tịnh Biên Chau Phi Rôm cho biết: “Từ đầu năm tới nay, Ban vận động Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã vận động được 27.066 phần quà, trị giá 4,65 tỷ đồng với 100 tấn gạo và hơn 2,52 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó các xã, thị trấn cũng đã tích cực vận động và tiếp nhận sự đóng góp ủng hộ từ các nhà hảo tâm trong, ngoài huyện để cấp phát 69.412 phần quà, trị giá hơn 11,9 tỷ đồng cho các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, còn thực hiện 10 “Chuyến xe 0 đồng”, 9 “Cửa hàng 0 đồng”, 1 “Cửa hàng 1.000 đồng” và 1 cây “ATM gạo” nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau, củ quả cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 với đa số là đồng bào DTTS Khmer”.
Thời điểm dòng người ngoài tỉnh trở về địa phương, huyện Tịnh Biên tiếp nhận hơn 10.000 người và đa số là đồng bào Khmer. Trên tinh thần khẩn trương, huyện đã vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con về quê an toàn, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, kịp thời hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để các trường hợp này vượt qua khó khăn khi vừa trở về quê. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bà con Khmer bảo vệ bản thân và cộng đồng.
“Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh mọi hình thức tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong người dân, nhất là đồng bào DTTS Khmer. Các thành viên của UBMTTQVN huyện, xã đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia tuyên truyền với nhiều hình thức, từ trực quan, hệ thống loa phát thanh cho đến trực tiếp. Trong đó, đã tích cực phát huy vai trò của các sư sãi, à cha, người có uy tín trong cộng đồng Khmer để hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch, tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh” - ông Chau Phi Rôm cho hay.
Không chỉ UBMTTQVN huyện mà các ngành, địa phương ở Tịnh Biên cũng đặc biệt quan tâm chăm lo để đồng bào DTTS Khmer ổn định đời sống. Theo đó, Công an huyện Tịnh Biên tổ chức tặng 500 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các xã An Cư, Vĩnh Trung theo Chương trình “Công an An Giang tiếp sức những hoàn cảnh khó khăn trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.
Trong năm 2021, Phòng Dân tộc huyện Tịnh Biên thực hiện nhiều hoạt động, chương trình để hỗ trợ đồng bào DTTS Khmer địa phương vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, đã báo cáo Ban Dân tộc tỉnh các trường hợp là người DTTS bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tiếp nhận nguồn hỗ trợ cho F0 thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp UBND các xã, thị trấn thực hiện chi hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc cho 3 trường hợp là đồng bào DTTS Khmer, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Tịnh Biên Néang Sêm thông tin: “Trong năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tịnh Biên và các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn huyện. Trong đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhu cầu khám, chữa bệnh, học hành, đi lại của bà con được nâng chất đáng kể. Nhờ đó, đời sống của bà con Khmer cơ bản ổn định trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện vai trò tham mưu, đề xuất các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS Khmer trên địa bàn huyện để từng bước hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, khi cuộc sống trở lại bình thường mới”.
Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức phòng, chống dịch qua nhiều hình thức đa dạng bằng 2 ngôn ngữ Kinh - Khmer. Trong đó, quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn ngừa, không để phát sinh dịch bệnh trong vùng có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Tiếp tục quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội; chủ động phối hợp với MTTQ, các đoàn thể huyện, xã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống để người dân an tâm vượt qua đại dịch. Tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS Khmer, cùng chung tay chống dịch để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
THANH TIẾN