Theo kế hoạch của UBND tỉnh An Giang, mục tiêu nhằm giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), nâng cao chất lượng sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, huyện Tri Tôn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều) giảm từ 3 - 4%/năm, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm ít nhất 60% so đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện tăng 1,8 lần so năm 2020.
Đối với hỗ trợ trực tiếp: Thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) huyện nghèo): Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định 880/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Căn cứ quy định tại Quyết định 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và dự kiến nguồn vốn hỗ trợ, UBND tỉnh lựa chọn 4 công trình giao thông đầu tư trọng điểm, nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển cho địa bàn nghèo, khó khăn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, tránh đầu tư manh mún, dàn trải.
Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer phát triển sản xuất
Theo đó, nâng cấp, mở rộng đường liên xã nối dài xã Núi Tô - thị trấn Tri Tôn, chiều dài 5.240m, mặt đường 7m để đảm bảo kết nối, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông giữa xã Núi Tô (xã đặc biệt khó khăn) với thị trấn Tri Tôn (trung tâm hành chính huyện) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn huyện. Làm đường nhánh liên xã Tà Đảnh - Tân Tuyến, chiều dài 5.925m, mặt đường 6m. Công trình để đảm bảo tính kết nối về giao thông, KTXH để hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản liên xã, giữa xã với huyện.
Nâng cấp, mở rộng đường liên xã cặp kênh Tám Ngàn (xã Lương Phi - xã Châu Lăng - thị trấn Tri Tôn), chiều dài 5.800m, mặt đường 7 - 9m. Công trình nhằm đảm bảo tính kết nối về giao thông của 2 xã với trung tâm hành chính huyện, góp phần phát triển KTXH để hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 943, chiều dài 6.220m, mặt đường 6m. Công trình nhằm hoàn thiện kết nối về giao thông, KTXH để hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về giao thông.
Tổng nguồn vốn thực hiện kế hoạch (Tiểu dự án 2, Dự án 1) giai đoạn 2022 - 2025 là 100,748 tỷ đồng. Trên cơ sở kinh phí thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 1) thuộc chương trình được Trung ương hỗ trợ và nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh và với kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 1) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình trên địa bàn huyện Tri Tôn.
Sau khi thực hiện hoàn thành các danh mục công trình đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển KTXH trên địa bàn huyện nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến cuối năm 2025 theo kế hoạch đề ra.
Theo UBND tỉnh An Giang, ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo theo các mô hình sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.
Các dự án giảm nghèo cần chú trọng gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế địa phương, sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm bền vững. Đồng thời, hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động có nhu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký công văn 1411/UBND-KGVX, ngày 27/10/2023 về phân công các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ, theo dõi và phụ trách các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025. Các sở, ngành liên quan phối hợp quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn; đề ra các giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả chương trình…
|
HỮU HUYNH