Ứng dụng COLAB SOS để hỗ trợ lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hôm nay 25/2, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã triển khai ứng dụng kết nối với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…. Để có thể hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Đức theo các chương trình mà Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) đang thực hiện, Trung tâm Lao động ngoài nước đã triển khai ứng dụng kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài có tên gọi “COLAB SOS”.
Để được hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Lao động ngoài nước khuyến cáo và đề nghị người lao động đang làm việc ở nước ngoài tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng COLAB SOS trên CH Play, hoặc App Store từ điện thoại cá nhân.
[Xây dựng phương án đưa lao động tại các vùng có dịch COVID-19 về nước]
Đối với người lao động chưa có dữ liệu cá nhân do COLAB quản lý, đưa vào hệ thống thì vẫn có thể tải và cài đặt ứng dụng trên CH Play, hoặc App Store từ điện thoại cá nhân, để theo dõi thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trên ứng dụng COLAB SOS trên mục “thông báo”.
Đối với người lao động đã có dữ liệu, sau khi đăng nhập hệ thống, có thể gửi yêu đề nghị hỗ trợ thông thường và đề nghị hỗ trợ khẩn cấp để được trợ giúp.
Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết sau gần 1 ngày đưa ứng dụng vào hoạt động, đến chiều nay 25/2, đã có hơn 4.000 người lao động đăng ký kết nối COLAB SOS. Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động./.
Các bước đăng nhập COLAB SOS: Tên đăng nhập là sử dụng số hộ chiếu dùng khi xuất cảnh; mật khẩu đăng nhập: sử dụng số hộ chiếu dùng khi xuất cảnh.
Sau khi đăng nhập thành công, người lao động có thể thực hiện cài đặt cập nhật các nội dung: Số điện thoại; lựa chọn câu hỏi bảo mật và trả lời; thay đổi mật khẩu đăng nhập.
Trong trường hợp cần hỗ trợ, người lao động chọn chức năng "Hỗ trợ". Điền đầy đủ các thông tin số điện thoại, vị trí hiện tại và nội dung đề nghị hỗ trợ. Bấm nút mũi tên để gửi nội dung.
Khi cần trợ giúp khẩn cấp, người lao động chọn chức năng "SOS", điền đầy đủ các thông tin số điện thoại, vị trí hiện tại và ngắn gọn nội dung đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Sau đó, bấm và giữ nút SOS trong 5 giây đếm ngược để gửi nội dung yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp. Lưu ý, chức năng trợ giúp khẩn cấp chỉ được sử dụng khi người lao động gặp sự cố bất thường, cần được trợ giúp khẩn cấp.
Theo HỒNG KIỀU (Vietnamplus)