Hỗ trợ máy móc, thiết bị vào sản xuất

21/02/2022 - 05:57

 - Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất là động lực then chốt giúp doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị mạnh dạn đầu tư, làm chủ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Thời gian qua, công tác khuyến công, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị tiên tiến cho các cơ sở, DN, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản và tăng năng suất cũng như nâng cao thu nhập cho đơn vị SXKD.

Năm 1974, cô Võ Thị Đính theo gia đình từ Đồng Tháp đến thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sinh sống, mang theo nghề làm bún truyền thống của gia đình. Trong suốt 48 năm qua, nghề làm bún tuy có những lúc gặp khó khăn nhưng đã giúp gia đình cô có được cuộc sống ổn định, sung túc hơn.

Cô Đính cho biết, trước đây, công việc làm bún được thực hiện bằng phương pháp thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức. Quy trình làm bún trải qua nhiều công đoạn như: Vo gạo, ủ gạo, xay bột, lắng lọc, tách nước, ép bún, hấp bún... Trong đó, khâu tách nước đòi hỏi nhiều công lao động nhất.

Với máy đóng gói bún tươi, tạo điều kiện cho Cơ sở sản xuất bún tươi Tám Hưng thêm sức cạnh tranh trên thị trường

Khoảng năm 2018, từ nguồn kinh phí khuyến công, Cơ sở sản xuất bún tươi Tám Hưng của cô Võ Thị Đính được hỗ trợ máy tách bột với tổng kinh phí trên 137 triệu đồng (cơ sở đối ứng 50%). Nhờ sử dụng máy này đã giúp tăng thời gian làm bún 2-3 lần, công lao động bỏ ra cũng nhẹ hơn so với trước. Trong năm 2021, cơ sở tiếp tục được hỗ trợ thêm 1 máy đóng gói bún tươi, công suất 1 tấn/giờ. Với máy này, cơ sở bún tươi đã có thêm sản phẩm bún được đóng gói trong bao bì, thiết kế bắt mắt hơn, thời gian sử dụng lâu hơn (3-4 ngày).

Hiện nay, Cơ sở sản xuất bún tươi Tám Hưng đã ứng dụng máy móc hầu như hoàn toàn trong các khâu sản xuất. Việc này đã góp phần giảm bớt nhân công lao động, tăng số lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, còn giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, sản phẩm tạo ra đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm như bún, bánh tằm, bánh hỏi, bánh canh... Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở sản xuất 1-2 tấn bún thì hiện nay, sản lượng nâng lên khoảng 3 tấn/ngày. Riêng đối với sản phẩm bún đóng gói, sản lượng tiêu thụ từ 500-700kg/ngày. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở địa phương” – cô Đính thông tin.

Ngoài phát triển sản xuất, Cơ sở sản xuất bún tươi Tám Hưng còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng (mỗi ngày làm việc từ sáng đến 12 giờ trưa).

Bệ đỡ cho các hộ sản xuất – kinh doanh

Giống như Cơ sở sản xuất bún tươi Tám Hưng, năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất rượu" cho hộ SXKD rượu Quan Dũng (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú). Dự án đã hỗ trợ lò hơi, nồi - tháp áp suất với tổng kinh phí 536 triệu đồng (hộ kinh doanh đối ứng 50%).

Các máy móc, thiết bị được lắp đặt vào quy trình sản xuất, hộ kinh doanh đã vận hành thử nghiệm đạt công suất thiết kế cũng như nhu cầu sản xuất của hộ. Với việc ứng dụng trang thiết bị mới đã giúp hộ SXKD rượu Quan Dũng tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, tách được các tạp chất. Ngoài ra, sản lượng rượu sản xuất cũng được nâng cao, chi phí nhiên liệu đốt giảm, từ đó giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn...

Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã chủ động tham mưu lãnh đạo Sở Công thương thực hiện thủ tục hỗ trợ 15 đề án ứng dụng cho cơ sở công nghiệp nông thôn ở huyện, thị xã, thành phố, tổng số tiền hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng. Thông qua hỗ trợ máy móc, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp cơ sở tăng doanh thu, giảm giá thành và nhân công sản xuất.

Hơn nữa, sản phẩm được đa dạng hóa, đạt yêu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ cao, thời gian quy trình bảo quản sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, do bỏ qua nhiều công đoạn thủ công. Bên cạnh đó, việc ứng dụng máy móc, thiết bị mới làm giảm hao phí năng lượng, giảm phát thải môi trường…

Các hoạt động khuyến công nói chung, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng là một trong những hoạt động phù hợp với nhu cầu của các địa phương và DN. Đây được xem là chìa khóa quan trọng, tiếp sức để các DN có thêm động lực đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả SXKD.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích