Hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ cơ bản

02/08/2023 - 06:41

 - Đảng và nhà nước xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở huyện An Phú

Phú Hội là xã biên giới của huyện An Phú. Nhận thấy địa phương vẫn còn nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm thuê, mua bán nhỏ lẻ, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình, năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã thành lập “Mô hình tổ phụ nữ bó chổi bông sậy”, với 17 thành viên ấp Phú Nghĩa.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hội Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Để giúp chị em tiếp cận được nguồn vốn vay, Hội LHPN xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ vay vốn, mua nguyên liệu làm chổi. Trung bình 1 ngày, mỗi chị làm được khoảng 15 cây chổi thành phẩm, trừ chi phí cho thu nhập trên 200.000 đồng. Đầu ra sản phẩm nhiều nhất là thị trường Campuchia, giá 40.000 đồng/cây”.

Chị Nguyễn Thị Hai (thành viên tổ) cho biết: “Nghề này tuổi nào cũng làm được, phù hợp nhất với lao động nữ, cho thu nhập ổn định. Nhiều người đi làm xa rồi cũng trở về gắn bó với nghề, vì được gần gia đình. Bình quân, tôi làm được trên 200.000 đồng/ngày, đủ trang trải sinh hoạt và lo cho con ăn học”.

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp Hội LHPN huyện An Phú rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện An Phú. Xã Phú Hội và Vĩnh Hậu có mô hình “Tổ hợp tác bó chổi bông sậy”; Vĩnh Hội Đông có mô hình “Tổ hợp tác sản xuất, chế biến khô cá”; Vĩnh Lộc có mô hình “Tổ hợp tác trồng nấm rơm”; Quốc Thái có mô hình “Tổ liên kết trồng hoa”; Phú Hữu có mô hình “Tổ liên kết chế biến đậu phộng”; Khánh Bình có mô hình “Tổ hợp tác may công nghiệp”. Việc rà soát nhằm nắm bắt nhu cầu của tổ hợp tác, tổ liên kết để xây dựng chương trình hoạt động, đào tạo, tập huấn phù hợp, sát nhu cầu thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến cho biết, Hội LHPN tỉnh sẽ nghiên cứu quy trình thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết; nghiên cứu từng sản phẩm đầu ra (quy trình sản xuất, logo, quảng bá thương hiệu); kết nối để có hỗ trợ, chính sách liên quan. Phối hợp các đơn vị giới thiệu nguồn vốn ưu đãi để chị em mở rộng sản xuất - kinh doanh… Qua đó, nhằm duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế do hội LHPN các cấp thành lập, tạo việc làm cho lao động nữ, phát triển sinh kế bền vững.

Đây là một trong nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, nhất là đối với người nghèo, đã và đang triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giải quyết chỉ tiêu về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đối với chiều thiếu hụt việc làm, 100% người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. NLĐ được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận. 

Đối với chiều thiếu hụt về y tế, 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo đa chiều được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo quy định. Hạ xuống đến mức thấp nhất tỷ lệ thiếu dinh dưỡng các thể ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Đối với chiều thiếu hụt về giáo dục và đào tạo, tỷ lệ NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp và tỷ lệ NLĐ thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 45,5%. Chiều thiếu hụt về nhà ở, đã cất được 386 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, đảm bảo họ có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Đối với chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, 94% cư dân nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh. Chiều thiếu hụt về thông tin, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet; được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ 5 mô hình giảm nghèo với 123 hộ tham gia. Toàn tỉnh đào tạo nghề 7.101 người, giải quyết 11.498 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tổng kinh phí chi trả gần 196 tỷ đồng), 230 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm trở lại; tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động 21.552 trường hợp.

 

HỮU HUYNH