Hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn phát triển sản xuất

01/08/2022 - 08:04

 - Thời gian qua, cùng với những giải giáp hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại, nâng cao chất lượng nông sản, Hội Nông dân huyện Phú Tân còn chú trọng hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Mum (ngụ xã Phú Thạnh) là một trong số hội viên nông dân vừa được xét vay 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện. Ông Mum cho biết, trước tình hình giá cả phân bón tăng cao, số tiền vay được đã phát huy tác dụng tích cực, giúp ông kịp thời chủ động được chi phí phân bón, chăm sóc 5 công nhãn Ido đang cho trái trong giai đoạn cuối vụ.

Theo ông Mum, gia đình đang đầu tư lên vườn được 10 công đất (10.000m2), trong đó chủ yếu trồng mãng cầu hoàng hậu và nhãn Ido. Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập từ các vườn cây ăn trái giảm khá nhiều. Khi được Hội Nông dân xã Phú Thạnh giới thiệu vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông đăng ký vay để có thêm chi phí đầu tư chăm sóc vườn, tiếp tục tăng gia sản xuất. Vụ này, 5 công nhãn Ido của ông Mum đang cho trái khá tốt, dự kiến năng suất đạt trên 3 tấn để xuất ra thị trường.

Nông dân được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất

Không chỉ vậy, nguồn quỹ này còn phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp. Điển hình tại hộ ông Huỳnh Văn Hải (ngụ  xã Phú Bình) vừa được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư máy móc phục vụ nghề đan bội. Mỗi tháng, ông Hải xuất bán trên 60 chiếc bội bắt cá với giá 750 ngàn đồng/chiếc và giải quyết việc làm từ 7-8 lao động/ngày. Theo ông Hải, nguồn vốn vay giúp mô hình phát triển lâu dài, ổn định cả về số lượng và chất lượng. Trước đây tất cả công đoạn đan bội đều làm thủ công, khâu vót thẻ tre bị ảnh hưởng rất nhiều do vót bằng tay, nên không đáp ứng kịp số lượng làm bội hàng ngày. Với số vốn được hỗ trợ, ông Hải đầu tư máy vót thẻ tre, nhờ vậy số lượng bội làm ra tăng lên đáng kể, mỗi tháng có thể làm 150-200 cái, nên thu nhập cũng tăng lên.

Hầu hết nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, nếp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Từ năm 2019, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn huyện xuất hiện khá nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả. Hội viên nông dân đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất với quy mô lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, từng bước phá thế độc canh sản xuất lúa, nếp. Cùng với đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng “tiếp sức” kịp thời cho hội viên để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Đến nay, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã phối hợp các ngành hỗ trợ 168 hộ nông dân vay vốn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn giới thiệu hội viên nông dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 88 tổ vay vốn tiết kiệm, hơn 3.800 hộ tham gia vay vốn với tổng số tiền gần 93 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển kinh tế địa phương. Đơn cử như mô hình trồng mai vàng ở xã Phú Long, với khoảng 20 hộ theo nghề, nhận thấy có hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng mai với 5 thành viên. Sau khi tập hợp, 2 hội viên đã được vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cây mai vàng được nông dân trồng bán quanh năm, gồm cây con và mai trưởng thành tạo dáng, được đánh giá triển vọng phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn đánh giá, những năm qua, để nguồn quỹ này hoạt động có hiệu quả, Hội chủ động khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên, hướng dẫn xây dựng tổ chức sản xuất, chăn nuôi. Nhìn chung, hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân nói riêng và các nguồn vốn do Hội phối hợp giúp đỡ hội viên tiếp cận để sản xuất, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tăng gia phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Thông qua các mô hình được giải ngân, các hộ dân đã chuyển đổi trồng cây ăn trái và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là các dự án: Trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, chăn nuôi dê, trồng trầu… tại các xã Hòa Lạc, Phú Hưng, Bình Thạnh Đông, Long Hòa, Phú Long và thị trấn Chợ Vàm.

“Hiệu quả của các nguồn vốn hỗ trợ nông dân đã trở thành điểm tựa giúp hội viên trên địa bàn huyện Phú Tân đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở địa phương” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn khẳng định.

 

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích