Ứng dụng máy móc tiên tiến giúp cơ sở tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) An Giang đã triển khai nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo sự chuyển biến tích cực về quy mô sản xuất (SX), số lượng, chất lượng sản phẩm; giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Giải quyết khó khăn
Năm 2017, cơ sở Yến Phương (xã Vĩnh Thành, Châu Thành) được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC của tỉnh đã đầu tư, lắp đặt hệ thống nồi hơi áp suất (công suất 1.000kg/giờ) vào dây chuyền SX tàu hủ ky.
Với việc sử dụng nồi hơi đã giúp cơ sở giảm 30% chi phí nguyên liệu so với cách làm truyền thống; rút ngắn thời gian SX; giảm bụi bẩn nên môi trường làm việc luôn được đảm bảo, sức khỏe người lao động được nâng lên.
Một ưu điểm nữa khi sử dụng hệ thống nồi hơi là tiết kiệm số lượng lớn nhân công lao động, giảm chi phí SX, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2017, cơ sở SX bánh phồng Trúc Linh (ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) được TTKC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ máy quết - trộn bột tự động, công suất 150kg/giờ, kinh phí 120 triệu đồng. Từ khi sử dụng máy này, các công đoạn làm bánh được rút ngắn, số lượng bánh làm ra nhiều, chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Lê Thiện Tuấn (đại diện cơ sở Trúc Linh) cho biết, trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, nay đã có máy quết - trộn tự động thay thế nên người làm bánh đỡ nhọc công; sản phẩm được cải thiện cả về chất lượng lẫn số lượng.
“Nếp quết bằng máy mịn hơn, dễ cán hơn so với bằng tay nên sản phẩm làm ra chất lượng đẹp hơn. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở SX 3.000 cái bánh. Những lúc cao điểm, số lượng tăng lên gấp đôi” - ông Tuấn nói.
Từ những dự án trên, có thể thấy, việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào SX đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo thuận lợi cho việc phát triển SX của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Từ đó, giúp tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Thời gian qua, TTKC&TVPTCN tỉnh đã tập trung tư vấn, sử dụng nguồn kinh phí KC hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường...
Năm 2017, trung tâm đã xét duyệt 21 đề án chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào SX. Tổng kinh phí đầu tư trên 5,02 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp, cơ sở đối ứng 2,83 tỷ đồng.
Năm 2018, tỉnh dự kiến dành khoảng 12,4 tỷ đồng cho hoạt động KC, riêng chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng SX sạch hơn sẽ được hỗ trợ khoảng 11,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn triển khai các nội dung trong công tác KC, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cũng như kết nối giữa nhà SX với thị trường; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tư vấn, cung cấp thông tin cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…
Giám đốc TTKC&TVPTCN tỉnh Võ Thị Liên cho biết, hiện nay, các cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong khi nhu cầu của được hỗ trợ là rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, trung tâm sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp tiêu biểu để hỗ trợ. Việc hỗ trợ dựa trên những tiêu chí như: ngành, nghề SX theo quy định của Bộ Công thương; cơ sở thụ hưởng phải có vốn đối ứng là 50% giá trị dự án hỗ trợ; sản phẩm chất lượng, thị trường ổn định; cơ sở hoạt động với ngành, nghề mới hoặc tạo ra sản phẩm mới; các cơ sở nằm trong những địa phương là xã nông thôn mới...
ĐỨC TOÀN