Hỗ trợ phụ nữ Khmer phát triển

18/04/2018 - 07:23

 - Được tuyên truyền, trang bị kiến thức về nhiều phương diện, các chị em phụ nữ (PN) Khmer ở các địa phương đã và đang vượt khó vươn lên, trở thành những cán bộ Hội PN nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào và công tác hội, được Nhân dân và đồng bào Khmer tín nhiệm.

Với chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp PN ở địa phương, cán bộ Hội PN nói chung, cán bộ Hội PN dân tộc Khmer nói riêng đã phát huy phẩm chất đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù ở những địa phương cùng hoàn cảnh khác nhau nhưng các cán bộ Hội PN dân tộc Khmer đều có những mô hình hoạt động hội rất thiết thực, góp phần cùng địa phương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc và hội viên PN Khmer...

Ấp Đông Bình Trạch (xã Vĩnh Thành, Châu Thành,  An Giang) có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 13% dân số của xã, chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống chị em PN còn nhiều khó khăn. Dựa trên nhu cầu thực tế, năm 2002, Câu lạc bộ (CLB) PN dân tộc Khmer ấp Đông Bình Trạch ra đời, thu hút 45 thành viên tham gia. Đây là nơi tập hợp PN để tuyền truyền, phổ biến nhiều quy định của pháp luật, hỗ trợ kiến thức, huy động vốn tiết kiệm giúp phát triển kinh tế, phương pháp nuôi dạy con trong từng giai đoạn phát triển, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tại địa phương...

Hội LHPN tỉnh tổ chức họp mặt cán bộ hội PN Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chhnăm Thmây

Khi tham gia CLB, chị em được tuyên truyền về bình đẳng giới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, vệ sinh môi trường, tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới...

“Việc tham gia vào CLB PN dân tộc Khmer đã dần tạo được thói quen, tại các buổi sinh hoạt, chị em rất tích cực tham gia, mạnh dạn đưa ra ý kiến, suy nghĩ về những vấn đề mình đang thắc mắc. Nhờ vậy, các buổi sinh hoạt lúc nào cũng sôi nổi, hào hứng...” - cô Huỳnh Thị Kính, Chủ nhiệm CLB PN dân tộc Khmer ấp Đông Bình Trạch chia sẻ. Hiện nay, CLB đã tăng lên 108 thành viên, tỷ lệ tham gia sinh hoạt từ 70-80%.

Bên cạnh đó, CLB còn thành lập 4 tổ hùn vốn xoay vòng, 1 tổ PN hạn chế sử dụng túi ny-lon, 1 tổ giới thiệu việc làm, 2 tổ phòng, chống sốt xuất huyết, 1 tổ nuôi dạy con ăn học... Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn được tạo điều kiện học các nghề: thêu rua, kết cườm, đan giỏ ny-lon, kỹ thuật thiết kế và làm vườn... Qua đó, đã có 7 thành viên trong CLB được hỗ trợ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phụ nữ Khmer ngày càng khẳng định vị thế của mình trong gia đình, xã hội

Ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, Tri Tôn) có 391 hội viên PN, trong đó có đến 61 PN nghèo, khó khăn, chủ yếu do không đất sản xuất, không có vốn mua bán, kinh doanh. Để thực hiện hiệu quả phong trào giúp PN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, Chi hội PN ấp Tô Thuận đã xây dựng mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tại nhà.

Theo chị Néang Sa Vươne, Chi hội trưởng PN ấp Tô Thuận, ban đầu, mời các chị em đến sinh hoạt và nói rõ về ý nghĩa của việc tiết kiệm và hiệu quả đem lại. Tại đây, đã có 27 chị đăng ký tham gia mô hình tiết kiệm, Hội LHPN xã hỗ trợ heo đất cho các thành viên.

“Tham gia Tổ heo đất tiết kiệm, mỗi chị tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng/ngày. Qua hơn 6 tháng thực hiện, vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chhnăm Thmây, các chị đã khui ống heo được trên 50 triệu đồng. Trong đó chị bỏ thấp nhất cũng trên 1 triệu đồng và cao nhất tiết kiệm được 4,2 triệu đồng” - chị Sa Vươne thông tin.

Với số tiền tiết kiệm, các chị em PN có vốn để mua, bán trong dịp Tết hoặc mua sắm đồ dùng trong gia đình... những đóng góp thiết thực trên đã giúp PN dân tộc Khmer ở các địa phương nâng cao vị trí, vai trò trong gia đình, xã hội, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế, dân trí trong vùng đồng bào dân tộc.

ÁNH NGUYÊN