Hoạt động khuyến nông thích ứng dịch bệnh

14/12/2021 - 05:35

 - Để cải thiện sinh kế cho người dân, cũng như duy trì hoạt động sản xuất thích ứng dịch bệnh COVID-19, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã linh hoạt trong hoạt động tư vấn, chia sẻ kỹ thuật, trình diễn thực tế mô hình sản xuất hiệu quả. Từ đó, giúp nông dân mạnh dạn hơn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Hoạt động khuyến nông giúp nông dân tiếp cận nhiều mô hình mới, hiệu quả

Thay đổi cách đồng hành

Theo Trưởng trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Ngọc Thúy, khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin và đào tạo nghề cho nông dân. Từ đó, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong đó, hoạt động phổ biến nhất là xây dựng các mô hình trình diễn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và giải đáp thắc mắc của nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thông qua trình diễn mô hình thực tế ở địa phương, hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất theo giai đoạn phát triển của đối tượng được nuôi hoặc trồng từ lúc bắt đầu sản xuất đến khi thu hoạch. Đây là cách làm hiệu quả để giới thiệu nông dân về cách làm và tính kinh tế của mô hình.

Trong quá trình canh tác, cán bộ khuyến nông và nông dân thường xuyên trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm thực hiện trực tiếp ngoài đồng ruộng hoặc mô hình chăn nuôi. Cán bộ khuyến nông thường xuyên đến ghi nhận sự phát triển và những thay đổi bất thường có thể xảy ra. Tuy nhiên nông dân là người trực tiếp chăn nuôi, canh tác nên khi có sự liên hệ, trao đổi thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho sự thành công của mô hình.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân và hoạt động khuyến nông phải gánh chịu những khó khăn chung. Các hoạt động của cán bộ khuyến nông bị hạn chế, như: Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của địa phương nên không thường xuyên kiểm tra được tình trạng phát triển của mô hình; lịch kiểm tra mô hình bị thay đổi; một số mô hình không thể tổ chức hội thảo để đánh giá tính hiệu quả để phát triển, nhân rộng...

“Để không bị động, cán bộ khuyến nông và nông dân đã cùng nhau thích ứng trong thời điểm này. Chẳng hạn, để đảm bảo an toàn phòng dịch, các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi về tình trạng phát triển của mô hình được cán bộ khuyến nông linh hoạt thực hiện qua điện thoại, mạng xã hội Zalo hoặc gửi tờ bướm. Bên cạnh đó, thay vì tổ chức hội thảo trực tiếp sẽ tạo nhóm cho nông dân cùng tham gia hội thảo trực tuyến… Qua đó, giúp nông dân kịp thời tiếp cận với những mô hình hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật mới vào diện tích đất sản xuất của mình” - chị Thúy thông tin.

Nhiều mô hình hiệu quả

Việc lựa chọn những mô hình mới, hiệu quả phù hợp để thực hiện canh tác là cơ sở cho việc nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Điển hình, mô hình trồng khổ qua ghép gốc mướp (phường Mỹ Thới); so sánh các giống mè triển vọng; mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học (phường Mỹ Thới); trồng nấm rơm dạng trụ (phường Bình Đức), trồng cỏ năng suất cao (xã Mỹ Hòa Hưng)… đã được triển khai hiệu quả ở các địa phương. Trong quá trình thực hiện, có thể có mô hình chưa mang lại hiệu quả vượt trội, nhưng điều quan trọng là nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm tìm hiểu, ứng dụng những kỹ thuật canh tác sản xuất an toàn…

Với mô hình canh tác khổ qua ghép gốc mướp trên diện tích 1.000m2, sau thời gian 3 tháng, đạt năng suất gần 3 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận gần 14 triệu đồng. Đối với mô hình này, sẽ khắc phục được nhược điểm mà giống khổ qua truyền thống còn mắc phải, như: Cây dễ mẫn cảm và mắc một số loại bệnh, nhất là bệnh héo rũ do nấm fusarium oxysporum gây ra. Còn đối với mô hình khổ qua trên gốc ghép mướp, đã chứng tỏ được ưu thế khi có thể kháng bệnh này; bên cạnh đó, gốc mướp khỏe nên có thể giúp nông dân kéo dài thời gian thu hoạch, tăng khả năng nuôi trái, giúp trái to, khỏe, bán được giá hơn… Đây là một trong những mô hình chứng tỏ được hiệu quả thiết thực, nông dân ở các địa phương có thể tiếp cận và ứng dụng canh tác ngay trên diện tích của gia đình.

Còn với mô hình trồng nấm rơm dạng trụ trong nhà, hoàn toàn có thể đáp ứng được với những gia đình có ít đất sản xuất, tận dụng khoảng không gian còn trống xung quanh nhà để đặt trụ trồng nấm rơm. Đối với mô hình này, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật phức tạp, nhà nông có thể làm ruộng, làm vườn, đồng thời mỗi ngày dành thêm khoảng thời gian ngắn để tưới nước, chăm sóc và thu hoạch nấm rơm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Bằng cách lựa chọn những mô hình phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sẽ giúp nhà nông nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

ÁNH NGUYÊN