Học Bác từ những việc làm bình dị

24/05/2019 - 07:42

 - Học Bác từ những việc giản dị, nhỏ bé từ trong đời sống hàng ngày đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thoại Sơn triển khai với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Qua đó, nhiều tấm gương tiêu biểu, mô hình hay xuất hiện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kế thừa truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Thoại Sơn hôm nay nhận thức phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Những năm qua, Hội LHPN huyện Thoại Sơn đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình, đề án công tác của địa phương, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là nhờ các chị em thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác hội; gương mẫu rèn luyện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và 4 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Niềm vui khi được nhận suất ăn dinh dưỡng vào mỗi sáng chủ nhật của người nghèo

Học Bác rất đơn giản nhưng sẽ rất khó với những ai không thực hiện bằng cái tâm. Sẽ rất khó nếu hỏi các chị, em đã học Bác những gì trong thời gian qua. Vậy mà, khi nhắc đến những việc đã và đang làm có ý nghĩa, các chị, em không ngại bày tỏ. Thế mới thấy, học Bác nào có đâu xa, nó chỉ xuất phát từ cái tâm mỗi người mà thôi. Một việc làm nhỏ, sự quan tâm cần thiết khi cần, một cái cho đi ấm áp tình người… đó chính là chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đấy thôi! “Bữa cơm thân mật cho người lao động nghèo” của Chi hội Phụ nữ ấp Tây Sơn (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) là điển hình cho việc học Bác từ những điều bình dị nhất. Thành lập từ tháng 2-2017, mô hình "Bữa cơm thân mật" đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tây Sơn Lý Thị Kim Hoa cho biết: “Mô hình ra đời nhờ ý tưởng và sự tiếp sức của cha cố Giuse Vũ (linh mục về hưu). Hàng tuần, cha cố hỗ trợ cơm và sữa đậu nành, chúng tôi đảm nhận việc phân phát và mang đến tận nhà những trường hợp ốm đau, neo đơn. Từ đó đến nay, mô hình được duy trì thường xuyên vào sáng chủ nhật hàng tuần với 82 suất cơm và sữa/lần phát. Không chỉ phát miễn phí cho bà con nghèo, khó khăn ở thị trấn Núi Sập, chúng tôi còn chia sẻ cho những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ nhằm san sẻ phần nào khó khăn với họ. Tổng số tiền dành cho việc làm này đến nay được khoảng 189 triệu đồng”.

Chị Sự (bìa phải) với nghề đan giỏ mây phát triển kinh tế gia đình

Có những gương phụ nữ chăm chỉ làm kinh tế giỏi, không chỉ giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống mà còn giải quyết việc làm cho nhiều chị em nhàn rỗi ở địa phương. Chị Từ Thị Kim Sự (sinh năm 1974, ngụ ấp Hòa Long, xã Định Thành) là một trong những điển hình tiêu biểu ấy. Hiện mô hình đan giỏ mây của gia đình chị đã giải quyết hơn 100 việc làm cho lao động ở địa phương và các xã lân cận. Những người chưa biết đan đát gì, chị Sự sẵn sàng dành thời gian dạy nghề miễn phí để bắt nhịp công việc nhanh nhất. “Nghề này được tôi duy trì đã 8 năm. Đó là ý tưởng của con trai tôi. Sau khi học nghề, nó nhận dây mây của một số công ty lớn trên TP. Hồ Chí Minh về đan. Khi công việc ngày một thuận lợi, số lượng hàng ngày một nhiều. Sản phẩm chủ yếu là các loại giỏ, túi xách, dụng cụ đựng đũa, khay đựng đồ bằng chất liệu dây mây. Với những sản phẩm dễ, tôi trả tiền công 5.000 đồng/cái, khó hơn có giá từ vài chục, thậm chí cả trăm ngàn đồng/cái. Nghề đan này rất dễ học, chỉ cần chịu học thì mất vài giờ là rành. Chị em nào chịu khó, làm nhiều thì “ăn” nhiều. Thời điểm vào vụ, có người kiếm thêm thu nhập gần 200.000 đồng/ngày” - chị Sự cho biết.

Vậy đó, học Bác nào phải đâu xa xôi hay cao cả gì. Những kết quả đạt được từ việc học và làm theo gương Bác đã khơi dậy ý thức thi đua học tập, lao động sáng tạo của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích