Học tập trong mùa dịch bệnh

17/04/2020 - 06:09

 - Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, để tránh nguy cơ lây nhiễm và không gián đoạn kiến thức của học sinh, toàn bộ hệ thống giáo dục đã triển khai dạy và học online (trực tuyến). Với học sinh lớp 12, đây là giải pháp tối ưu để duy trì nền nếp, rèn luyện ý thức học tập cũng như giúp các em tận dụng thời gian tự học, ôn luyện tại nhà, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Linh hoạt

Hình ảnh phòng học trống vắng, chỉ có thầy, cô đứng giảng trước… dàn thiết bị truyền tải qua mạng dần trở nên “quen thuộc” trong những ngày qua. Nếu khởi đầu, thầy và trò ở trong tình huống “bị động” bắt buộc phải dạy và học online, nay công việc này đã dần được thích nghi, nhịp học diễn ra trơn tru hơn. Ngoài đón xem từng môn học theo thời khóa biểu cố định trên truyền hình, học sinh còn có nhiều lựa chọn khác để tương tác với thầy cô, chủ động “thu nạp” kiến thức cần thiết cho bản thân.

Trong tuần, thầy Võ Minh Hiếu (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) soạn giáo án theo hình thức ghép các slide thành video ngắn có lồng lời giảng và tải lên youtube. Không riêng môn học của thầy, giáo viên khác cũng thực hiện hình thức tương tự và tăng cường trao đổi nội dung bài, nhận xét, kiểm soát học sinh qua các ứng dụng mạng xã hội khác.

Qua đánh giá của giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm, có trên 92% học sinh hoạt động trên kênh học trực tuyến. Một số em không có điều kiện về công nghệ thông tin hoặc trên truyền hình, giáo viên có những cách liên lạc, như: in tài liệu gửi tận nhà, nhờ học sinh ở gần giúp đỡ bạn cùng sử dụng điện thoại, sử dụng các file bài dạy gửi vào nhóm cho các học sinh khác chia sẻ.

Giáo viên tự quay lại bài giảng, tận dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ dạy học để kết nối với học sinh khi “lên lớp”

Nhờ chủ động lượng kiến thức và cân đối được nội dung còn lại của học kỳ II, thầy Đỗ Quốc Lập (giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Chu Văn An, Phú Tân, An Giang) dành phần lớn thời lượng online giúp các em học sinh ôn tập, có kỹ năng giải các dạng bài tập.

Thầy Lập cho biết, trong thời gian nghỉ, nhiều em phải theo gia đình rời khỏi địa phương, thậm chí ở vùng núi, mỗi lần nhận tài liệu rất khó khăn. Thấy vậy, thầy giao bài tập cho học sinh bằng 2 hình thức: trên mạng và gửi tận nhà, cố gắng không để em nào phải thiệt thòi về kiến thức trong thời điểm này.

Tất cả các ứng dụng, mạng xã hội được giáo viên tận dụng để “gặp gỡ” học trò, kịp thời giải đáp nội dung khó. Tinh thần chính là khơi dậy ý thức học tập của các em, nên mỗi giáo viên có cách cân đối lượng kiến thức phù hợp, hoặc dạy bài mới, hoặc tập trung ôn bài cũ.

Theo thầy Phạm Lê Duy (giáo viên môn Toán) thì hiện nay có rất nhiều công cụ, phần mềm, ứng dụng hỗ trợ dạy trực tuyến miễn phí, như: google form, youtube, vnedu, zoom, zalo, facebook… Quan trọng là giáo viên lựa chọn công cụ đơn giản nhất để học sinh đều có thể tham gia, thu hút các em vào bài giảng và hứng thú học tập thật sự. Đặc biệt, giáo viên có thể đánh giá được mức độ học tập, tiếp thu của học sinh đến đâu, dù cách học hiện nay không thể thay thế hoàn toàn so với cách học truyền thống.

"Sĩ tử" đồng lòng nỗ lực

Do là năm học cuối cấp nên hầu hết học sinh đều ý thức tự giác học tập, không có tình trạng học đối phó. Em Đặng Thái Như (Chợ Mới, An Giang) cho biết, trong thời gian này, em học qua trang web của trường, đài truyền hình, chủ yếu ôn tập kiến thức cũ và một phần bài mới với nội dung đơn giản. Nhiều lúc cũng khó khăn khi mạng bị “nghẽn” nhưng em và các bạn duy trì nền nếp cố định.

Học sinh tự học tập ở nhà, hiệu quả tham gia được đánh giá nhanh chóng qua công cụ từ các phần mềm

Một số em dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực để có tài liệu trong tay, làm bài và nộp bài đúng thời gian. Nhà nghèo, hàng ngày chỉ việc đến trường thôi, em Nguyễn Thanh Phong và em trai đang học lớp 11 (Phú Tân) phải xoay sở bằng cách “quá giang” bạn cùng lớp. Trước yêu cầu học tập hiện nay, hàng xóm tốt bụng và người chị họ đã cho anh em Phong chiếc ti-vi và điện thoại cũ. Sau giờ học trên kênh truyền hình, Phong tranh thủ những lúc “hứng” được wifi miễn phí thì truy cập để tải tài liệu.

Bên cạnh những trường hợp khó khăn như em Phong, giáo viên còn trăn trở số học sinh theo gia đình đi làm ăn xa, không thường “lên lớp” do thiếu thiết bị, điều kiện kết nối không đảm bảo. Ngay cả những em đang học thuận lợi hàng ngày cũng khó tránh khỏi tình trạng đường truyền quá tải, thường bị “thoát” khỏi lớp đột ngột, hoặc một số ứng dụng học hiện nay chưa đảm bảo an toàn, bảo mật khiến phụ huynh lo lắng. Và còn một nỗi lo chung của tất cả mọi người là khi dịch bệnh đi qua, có lẽ học sinh sẽ gia tăng các bệnh về thị lực.

Năm học cuối cấp, dù không ép buộc và giáo viên không áp đặt điểm số nhưng học sinh nào cũng xác định tầm quan trọng của việc học lúc này. Trong nhiệm vụ của mình, thầy và trò khối 12 xác định rõ động cơ, cố gắng vượt qua những khó khăn, bất cập.

MỸ HẠNH  

 

Liên kết hữu ích