Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước, được coi là một trong những chiến lược phát triển thanh niên. Với vai trò của mình, thời gian qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động quan trọng góp phần định hướng, tạo cơ hội nâng cao kỹ năng cho giới trẻ trong quá trình tham gia vào chuyển đổi số quốc gia.
Triển khai chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn, sáng 21/3/2023. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tại cuộc làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn trong tháng 3/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Đây đã nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng xu thế chung của thời đại, đưa nước ta hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới; đồng thời cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027: "Thanh niên phải tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để phát huy trí tuệ, sức trẻ của thanh thiếu nhi qua ba phong trào hành động cách mạng: Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo và Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc.
Cho rằng cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, thanh niên đang biến đổi rất nhanh chóng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổ chức Đoàn và thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Với chủ đề công tác năm 2023 là: "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn", Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định mục tiêu trong năm 2023 sẽ có 60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện; 40% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 50% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng, phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Theo đó, các hoạt động về chuyển đổi số được tập trung triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt công tác. Cấp bộ Đoàn trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động, phong trào cho thanh thiếu nhi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức tổ chức. Từ đó, việc triển khai các phong trào hành động cách mạng và các chương trình đồng hành với thanh niên có thêm những nét mới, thể hiện vai trò của tổ chức Đoàn trong kỷ nguyên số.
Với việc áp dụng chuyển đổi số, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã ghi nhận nhiều thay đổi trong công tác tổ chức. Thay vì đọc tài liệu được in ra như các kỳ đại hội trước, lần này đại biểu chỉ cần quét mã QR trên thiết bị điện thoại thông minh để cập nhật thông tin chương trình Đại hội, báo cáo chính trị, danh sách đại biểu tham dự… Đây được coi là bước đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, vừa bảo đảm tiện ích, hiệu quả, vừa tiết kiệm, giúp giảm kinh phí in ấn văn kiện, gửi văn bản giấy cho đại biểu.
Đặc biệt, thực hiện Tháng Thanh niên năm 2023 mang chủ đề: "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số", các cấp bộ Đoàn trên cả nước tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong tuổi trẻ; nâng cao nhận thức của thanh niên và người dân về chuyển đổi số quốc gia; thể hiện rõ tinh thần tiên phong, đi đầu của đoàn viên, thanh niên.
Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động cụ thể hóa "chuyển đổi số" trong từng mô hình, giải pháp, công trình, phần việc, nhất là các hoạt động hỗ trợ nhân dân về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, định danh điện tử… Có thể thấy quyết tâm lớn của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số.
Trước đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Đoàn Thanh niên còn có thể thấy rõ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng đoàn viên, thanh niên tại các địa phương trong cả nước đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-COVID, tạo mã QR để tiện lợi khi khai báo y tế. Cũng trong thời gian dịch COVID-19, tổ chức Đoàn các cấp đã ứng dụng công nghệ số vào các chương trình họp trực tuyến và sinh hoạt chi đoàn. Hình thức này đến nay tiếp tục được duy trì, mở rộng, giúp các cấp bộ Đoàn nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, thông điệp về chuyển đổi số không những "thấm sâu" trong mọi hoạt động của tuổi trẻ cả nước mà còn ghi nhận nhiều dấu ấn nổi bật từ các phong trào hành động của thanh niên Việt Nam, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong việc tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số còn được tổ chức Đoàn thực hiện thông qua các phương thức như tổ chức các cuộc thi trực tuyến, đánh giá trực tuyến, nên đã nằm trong tất cả các mảng công tác từ tuyên truyền giáo dục, đến các phong trào hành động và chương trình đồng hành. Đặc biệt, chuyển đổi số còn thể hiện ở việc cán bộ, đoàn viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với nền tảng số. Trong tất cả các mặt hoạt động của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn đều có giải pháp chuyển đổi số. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề để cán bộ, đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, năng lực sáng tạo.
Đáp ứng nhu cầu tự thân của giới trẻ
Đánh giá về chủ đề của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ cho rằng, đây là chủ đề vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, khi cả thế giới đang thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để đổi mới mô hình tăng trưởng; vừa phù hợp với nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam. Đây cũng là một nội dung đã được xác lập trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, coi chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực trụ cột cho phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Các tình nguyện viên ra quân phục vụ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bên cạnh đó, chủ đề Hội nghị rất phù hợp với nhu cầu tự thân của giới trẻ Việt Nam hiện nay, khi các ngành nghề liên quan đến khoa học máy tính, chuyển đổi số đang có sức hút rất lớn. Đây là cơ hội để các bạn trẻ thông qua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, có thể bắt kịp với xu hướng thời đại; có thể đi sau, nhưng về đích cùng với một số nước khác trên thế giới có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến hơn.
Đồng thời, Hội nghị lần này còn bàn về thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Theo Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, lĩnh vực văn hóa cũng cần phải có một cuộc cách mạng số để có thể vừa bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa trên môi trường số, vừa lan tỏa giá trị văn hóa của Việt Nam với các nước khác trên thế giới, làm sao để hòa nhập, nhưng không "hòa tan".
Do vậy, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ đề của Hội nghị đã đáp ứng được các mục tiêu về: Yêu cầu, kỳ vọng của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đặt ra; yêu cầu phát triển của đất nước; nhu cầu tự thân của giới trẻ hiện nay, qua đó góp phần tạo không gian, điều kiện để thanh niên Việt Nam phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Trung ương Đoàn sẽ phụ trách tổ chức tọa đàm "Tăng cường năng lực số cho thanh niên". Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho thanh niên Việt Nam và nghị sĩ trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề tăng cường năng lực số cho thanh niên. Từ đó, Trung ương Đoàn và các cơ quan hữu quan sẽ có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng các giải pháp tăng cường năng lực số cho thanh niên trong thời gian tới.
Theo TTXVN