Hiện, cả nước có 81,59 triệu người tham gia BHYT (đạt 101,6% chỉ tiêu Chính phủ giao) và 2.169 cơ sở khám chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật. Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần từ 130 (năm 2015) đến 150 triệu lượt (năm 2017). Chi phí do quỹ BHYT chi trả tương ứng 88.000 tỷ đồng (năm 2017). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phạm vi chuyên môn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã còn một số vướng mắc từ quy định của chính sách bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người bệnh…
Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu An Giang
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất những giải pháp cải thiện tình hình, như: Không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho Trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú như hiện nay, thay vào đó cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán chi phí cho Trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới…kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao,…Thay việc ký hợp đồng giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với bệnh viện huyện bằng việc cơ quan BHXH ký với TTYT huyện để TTYT thực hiện quản lý cung ứng dịch vụ và kinh phí đối với TYT xã. Đồng thời, bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm, hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán...
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế đặt chỉ tiêu: bảo đảm đến hết năm 2018 có trên 87% dân số có thẻ BHYT và đến năm 2020 có trên 90,7% dân số có thẻ BHYT, trong đó tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp (dưới 80%) xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện để đạt bằng tỷ lệ trung bình của cả nước về tỷ lệ tham gia BHYT.
Tin, ảnh: HẠNH CHÂU