Hội thảo khoa học "Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021"

04/11/2023 - 10:32

Ngày 3/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021". Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự hội thảo.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học. Ảnh: Ngô Thìn

Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Sau 2 năm triển khai quy định, kết quả đến nay đã có 6 trường chính trị đạt được chuẩn mức 1; 60/63 trường đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn.

Xây dựng trường chính trị chuẩn tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11 tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trương ương vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề: Một là khẳng định quan điểm, định hướng của Đảng về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc thực hiện Quy định số 11 đối với việc xây dựng trường chính trị chuẩn; bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động; việc đề xuất giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn nhằm giúp các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn mức 1, tiến tới đạt chuẩn mức 2, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo cơ sở cho các trường chính trị tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế.

Hai là phân tích, đánh giá thực trạng, nhận diện những khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra đối với triển khai thực hiện các các tiêu chí trường chính trị chuẩn thuộc các nhóm tiêu chí theo Quy định 11-QĐ/TW, trọng tâm như thể chế, quy định; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức; đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng; chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; xây dựng văn hóa trường Đảng; xây dựng chính sách, nguồn lực vật chất…

Ba là, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Đảng, Nhà nước; phân tích đánh giá thực trạng, trao đổi, chia sẻ kết quả, những cách làm sáng tạo trong hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn; thống nhất các đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chủ thể có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường; đồng thời thúc đẩy xây dựng trường chính trị chuẩn.

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh đã tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy tỉnh trong triển khai Quy định số 11 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn - thực tiễn và kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc”. Đồng chí nhấn mạnh, trong các văn kiện đại hội các nhiệm kỳ, tỉnh xác định “Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng”, là khâu đột phá trong các nhiệm kỳ đại hội.

Sau 26 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội; nhiều năm liên tục, Vĩnh Phúc nằm trong nhóm các địa phương có tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế lớn và thu ngân sách trong top đầu cả nước. Trong quá trình lãnh đạo và ra nghị quyết, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về đạo đức, chuyên môn và lý luận chính trị.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, đề án về công tác cán bộ như nghị quyết về thu hút, trọng dụng nhân tài; nghị quyết về đột phá trong công tác cán bộ; đề án về đột phá trong đào tạo cán bộ… Đặc biệt, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng Trường Chính trị tỉnh đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định 11 về xây dựng trường chính trị chuẩn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đây là cơ sở quan trọng để tỉnh triển khai các giải pháp xây dựng trường chính trị theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực. Bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là cơ sở pháp lý quan trọng; xác định rõ tiêu chuẩn, định mức về cơ sở vật chất; chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên… Chỉ sau 5 tháng Trung ương ban hành Quy định 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn, trong đó xác định rõ lộ trình đạt chuẩn mức 1 vào đầu năm 2023 và đạt chuẩn mức 2 trước năm 2027.

Mặc dù sớm ban hành được đề án, với quy mô được khái toán của 2 giai đoạn lên đến 700 tỷ đồng, tuy nhiên khi bắt tay vào việc tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Trong thời gian đầu, tiến độ thực hiện các tiêu chí rất chậm, không có sự chuyển dịch nhiều, nhất là các tiêu chí về con người, về đầu tư.

Quanh cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: Ngô Thìn

Nắm bắt được vấn đề đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ để phân công 2 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo (đồng chí Phó Bí thư Thường trực trực tiếp chỉ đạo 5/6 tiêu chí đạt chuẩn, riêng tiêu chí về cơ sở vật chất phân công đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo); đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nội dung trong đề án; Thường trực Tỉnh ủy nghe tiến độ và kiểm việc hằng tuần để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. HĐND tỉnh đã có nghị quyết về đảm bảo nguồn lực để thực hiện đề án.

Sau gần 1 năm chỉ đạo quyết liệt, các “điểm nghẽn” đã được tháo gỡ, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức được Hội đồng nghiệm thu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1 và lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4) năm 2023, trở thành đơn vị về đích thứ 3 trong cả nước.

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh đề xuất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham mưu Ban Bí thư sớm chỉ đạo tổ chức đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quy định 11 để có cơ sở khoa học đánh giá mức độ phù hợp và khả năng hoàn thành của từng tiêu chí, gắn với từng địa bàn khác nhau để có thể đề xuất điều chỉnh bộ tiêu chí cho phù hợp, nhất là các tiêu chí đạt chuẩn mức 2.

Đề xuất với Ban Bí thư, với Chính phủ có sự đầu tư, quan tâm hỗ trợ đối với các địa phương ở địa bàn khó khăn; quan tâm đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên cho hệ thống các trường chính trị; phối hợp với các địa phương trong các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học, tổng kết thực tiễn.

Đối với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, đồng chí mong muốn được quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ trong đào tạo cán bộ ở nước ngoài.

Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn mức 1 là niềm tự hào, vinh dự lớn của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên của trường cũng như của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn và tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để từng bước xây dựng Trường Chính trị thành trung tâm tri thức của tỉnh.

Theo HOÀNG HÀ (Báo Vĩnh Phúc)