Giữ vững trận địa tư tưởng để vững vàng trong cải cách lớn - Bài 1: Phản biện hay phản động?

17/07/2025 - 09:17

 - Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với nhiều cải cách lớn về thể chế, bộ máy và kinh tế, lúc này mặt trận tư tưởng - chính trị càng trở nên then chốt. Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là phòng thủ, mà là thế chủ động để giữ chắc lòng dân, làm nền cho mọi bước đột phá. Loạt 3 bài viết sau góp phần phản bác các luận điệu sai trái, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đổi mới mà Đảng ta đang thực hiện.

Cán bộ, đảng viên, người dân cần tỉnh táo, mạnh dạn đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội. Ảnh minh họa: Nguồn báo Quân đội nhân dân.

Không ít luận điệu “góp ý” trên mạng xã hội ngày nay thực chất là vỏ bọc tinh vi cho những mưu đồ tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhận diện bản chất thật của chúng là trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên để không lạc hướng, không im lặng trước sai trái.

Có một hiện tượng không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn trên không gian mạng, đó là những bài viết, video, podcast đội lốt “phản biện xã hội”, “góp ý xây dựng cho Đảng và Nhà nước”. Tưởng như chân thành, khách quan, nhưng càng đọc, càng nghe, càng phân tích thì lộ rõ một ý đồ không hề vô tư, nó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gieo rắc hoài nghi về con đường mà dân tộc ta đã chọn và đang đi.

Không hiếm những bài viết mở đầu đầy vẻ đồng thuận: “Chúng tôi tôn trọng Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chúng tôi không phủ nhận thành tựu phát triển”, “Chúng tôi chỉ mong Đảng thực sự lắng nghe dân”… Nhưng ngay sau những câu “mật ngọt” đó, người ta lập tức dẫn dắt sang những nhận định đầy tính xuyên tạc: “Thể chế hiện nay đang cản trở đổi mới”, “Cần có cạnh tranh chính trị để kiểm soát quyền lực”, “Cần phi chính trị hóa quân đội và công an”… Tất cả đều hướng đến một đích là phá thế độc lập, tự chủ của hệ thống chính trị nước ta, hạ thấp vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho tư tưởng đa nguyên, đa đảng, “xã hội dân sự” kiểu phương Tây.

Chúng ta không lạ gì những chiêu thức ấy. Từ đầu thế kỷ 21, các thế lực thù địch đã chuyển từ phá hoại vũ lực sang phá hoại mềm. Chúng sử dụng mạng xã hội, blog cá nhân, kênh YouTube, thư ngỏ, hội thảo trá hình, để “nhỏ giọt” tư tưởng sai trái. Họ không còn hô hào lật đổ mà chuyển sang “khuyên răn”, “tư vấn chính sách”. Cái áo choàng “góp ý” thực chất là một lưỡi dao chính trị bọc đường.

Bác Hồ từng căn dặn: “Phê bình phải có tinh thần xây dựng. Nếu không có tinh thần ấy thì không phải là phê bình, mà là công kích, phá hoại” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). Rất nhiều cái gọi là “phản biện hiện nay” không hề có tinh thần xây dựng. Chúng không hề có mục tiêu làm cho Đảng mạnh hơn, đất nước tốt hơn, mà chỉ muốn đưa người đọc, người nghe, người xem vào mê lộ hoài nghi, mơ hồ, rồi từ đó đánh mất niềm tin.

Chúng thường xuyên lặp đi lặp lại những cụm từ như “thể chế lỗi thời”, “chính sách ban phát”, “quyền lực không kiểm soát”… rồi lồng ghép mô hình nước ngoài như “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự độc lập”, “quân đội phi chính trị” như thể đó là con đường tất yếu. Nhưng ai cũng hiểu: Việt Nam không thể và không nên đi con đường của người khác, bởi mỗi dân tộc có lịch sử, địa lý, văn hóa và hoàn cảnh riêng.

Chúng ta từng đi qua chiến tranh, phong kiến, thực dân và vượt dậy từ nghèo đói bằng con đường do Đảng ta lãnh đạo. Không có con đường nào khác phù hợp hơn đó là sự thật lịch sử, được trả giá bằng máu xương và thành tựu hôm nay. Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã cảnh báo rõ ràng: “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là nói, viết, làm trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; cổ súy cho quan điểm sai trái, phản động”.

Vì vậy, không thể mập mờ giữa phản biện và phản động. Không thể xem những người nói ngọt, viết khéo nhưng chủ đích là gây rạn nứt lòng tin là người thiện chí. Đã đến lúc, mỗi cán bộ, đảng viên phải có năng lực nhận diện và phản bác các luận điệu tinh vi ấy một cách thẳng thắn, có lý, có tình và có bản lĩnh.

Một bạn trẻ hỏi một đảng viên cao niên như thế này: “Cháu thấy những bài đó viết cũng có lý, vì họ đưa số liệu, dẫn chứng, phân tích chính sách...”. Người đảng viên ấy đã nói: “Cháu ạ, lý mà sai mục tiêu thì chẳng khác gì con dao tốt nhưng dùng để phá cửa. Đọc bài phải biết mục đích người viết, đừng để bị dẫn dắt bởi ngôn từ mà quên đi bản chất”. Thực tế, không ít người, trong đó có cán bộ, vì thiếu thông tin chính thống, thiếu kỹ năng phản biện, đã lúng túng trước các thông tin này. Có người còn chia sẻ lại, tưởng là “phản ánh dư luận” mà không hiểu rằng mỗi cú nhấp chuột cũng là một lần ta vô tình tiếp tay cho kẻ phá hoại.

Đảng ta không sợ bị góp ý. Đảng ta luôn lắng nghe. Nhưng góp ý thật phải là góp ý có tâm, có trách nhiệm và đúng vị trí. Còn những ai mượn góp ý để thọc mũi dao vào nền móng tư tưởng của dân tộc thì cần phải bị vạch trần và phản bác rõ ràng. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ chuyển đổi số, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hiện đại hóa đất nước, thì cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lại càng gay go hơn. Bởi kẻ thù không mặc áo lính, không mang súng, mà mang bút, chúng viết rất trơn tru, trích dẫn rất sang trọng, giọng văn rất mềm mại nhưng đích đến là làm lung lay lòng dân, bào mòn niềm tin vào Đảng.

Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng lúc này không chỉ là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo hay Ban Chỉ đạo 35 mà là trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, người làm báo, giáo viên, trí thức và cả người dân. Cần tỉnh táo, cần bản lĩnh, cần nói lại cái đúng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách để không ai bị đánh lừa bởi những ngôn từ mượt mà nhưng chất chứa độc dược chính trị.

(còn tiếp)

TRỌNG NGHĨA