Từ năm 2012, các dự án hợp tác về nâng cao năng lực quản lý chất thải nông nghiệp giữa 2 tỉnh An Giang và Pitea đã đạt nhiều kết quả, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu; giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của phụ phẩm nông nghiệp, đóng góp vào sự kết nối nền kinh tế tuần hoàn của thế giới và Việt Nam.
Quá trình triển khai dự án đã có một số doanh nghiệp kinh doanh thành công, như: Tập đoàn Sao Mai triển khai dự án điện năng lượng mặt trời; công ty của Nhật Bản sử dụng silica từ trấu để sản xuất các vật liệu có giá trị kinh tế cao hơn; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng trấu làm viên nén (năng lượng sinh khối) để xuất khẩu sang Châu Âu và sử dụng rơm để trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nhiều dự án hợp tác giữa Thụy Điển với các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, thì dự án hợp tác giữa An Giang – Pitea thành công nhất, mang lại nhiều kết quả. Đặc biệt, các dự án về nâng cao năng lực quản lý chất thải nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy về sử dụng chất thải nông nghiệp để sản xuất hiệu quả. Đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh, thành phố thông qua việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, quản lý và bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nông dân…
Tin, ảnh: HỮU HUYNH