Hơn nửa thế kỉ gìn giữ ánh sáng của lồng đèn truyền thống

14/09/2024 - 08:00

Những ngày cận kề tết Trung thu, không khí ở xóm lồng đèn Phú Bình càng thêm nhộn nhịp, các nghệ nhân tất bật tạo hình những chiếc lồng đèn truyền thống cuối cùng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong mùa Trung thu năm nay.

Chú thích ảnh

Những chiếc lồng đèn truyền thống được bày bán vào mỗi dịp Tết Trung thu ở TP Hồ Chí Minh.

Nét đẹp của những chiếc lồng đèn thủ công

Xóm lồng đèn Phú Bình nằm tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm lồng đèn Trung thu truyền thống. Nguồn gốc của làng nghề này bắt đầu từ những người nghệ nhân di cư từ làng Bác Cổ (Nam Định) vào miền Nam từ hơn 50 năm trước. Làng Bác Cổ vốn nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là nghề làm đèn Trung thu.

Khi chuyển vào Sài Gòn để lập nghiệp, những nghệ nhân gốc Nam Định vẫn không quên mang theo di sản văn hóa của quê hương, tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề làm lồng đèn.

Việc tiếp tục gắn bó với nghề của quê cha đất tổ không chỉ là cách để họ mưu sinh, mà còn là sự cống hiến cho việc giữ gìn một nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt.

Ông Nguyễn Thành Nam, một nghệ nhân lâu đời tại làng Phú Bình chia sẻ: Gia đình ông đã có tới ba thế hệ theo nghề làm lồng đèn. Dù giờ đây lồng đèn điện tử hiện đại với đủ màu sắc và âm thanh hấp dẫn tràn ngập thị trường, nhưng những chiếc lồng đèn thủ công vẫn có chỗ đứng riêng.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Thành Nam với chiếc khung lồng đèn hình con thuyền vừa mới hoàn thành.

Để tạo ra một chiếc lồng đèn Trung thu không hề đơn giản, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ năng cao, từ chẻ tre, buộc kẽm, tạo hình khung, đến dán giấy, vẽ hoa văn và gắn các phụ kiện trang trí. Mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo, kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng cả sản phẩm.

Vào khoảng tháng 2 hàng năm, những nghệ nhân tại xóm Phú Bình bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để kịp thời gian làm ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt. Việc lựa chọn và xử lý tre là khâu quan trọng đầu tiên. Tre phải được chọn kỹ lưỡng, là loại tre già và dẻo để đảm bảo khung đèn chắc chắn, nhưng không quá nặng. Sau đó, tre được chẻ nhỏ thành thanh mỏng, rồi uốn thành các khung đèn theo hình dáng mong muốn: Hình thuyền, hoa sen, ngôi sao, cá chép, thỏ đến rồng, phượng, hay các con vật khác.

Chú thích ảnh
 

Sau khi hoàn thành khung, nghệ nhân tiếp tục buộc kẽm để cố định khung đèn trước khi dán giấy trang trí. Loại giấy được sử dụng thường là giấy màu, mỏng, có độ trong suốt nhất định để ánh sáng từ cây nến bên trong có thể tỏa ra đều và lung linh. Tiếp theo, họ sẽ dùng tay để vẽ chi tiết lên bề mặt đèn, có thể là hình hoa, lá, mây trời, hoặc các họa tiết truyền thống khác. Cuối cùng, các phụ kiện như dây treo, chuông nhỏ, hay các chi tiết trang trí khác được gắn vào để hoàn thiện sản phẩm.

Gìn giữ nghề

Trong thời đại thị trường tràn ngập các loại lồng đèn điện tử, có nhạc, đèn led và thiết kế sáng tạo, rất khó cạnh tranh; thế nhưng nghề làm lồng đèn truyền thống tại Phú Bình vẫn kiên trì tồn tại. Nghệ nhân Ánh Loan chia sẻ: “Trẻ em giờ đây thường thích lồng đèn điện tử có nhạc, có tạo hình nhân vật yêu thích theo xu hướng. Tuy vậy, vẫn có những khách hàng yêu thích sự giản dị, mộc mạc của lồng đèn thủ công”.

Chú thích ảnh
 

Chú thích ảnh

Nghệ nhân Ánh Loan đang tất bật làm lồng đèn để giao cho khách hàng.

Những chiếc lồng đèn thủ công không chỉ là một sản phẩm Trung thu đơn thuần, mà còn là kết quả của quá trình lao động đầy tâm huyết. Mỗi chiếc lồng đèn là một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng sự sáng tạo và tay nghề tinh xảo của người thợ. Các nghệ nhân phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành một sản phẩm. Từ những bước đầu tiên như chuẩn bị nguyên liệu, chẻ tre, buộc kẽm, cho đến khi hoàn thiện các chi tiết trang trí, tất cả đều được thực hiện thủ công hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thu, chủ của một cơ sở lồng đèn tại Phú Bình cho biết: “Giá lồng đèn ở đây dao động từ 15.000 đến 300.000 đồng/cái, tùy theo kích thước và độ cầu kỳ của sản phẩm. Mặc dù giá thành không cao, nhưng công sức bỏ ra là rất lớn. Từ đầu tháng 7, những chiếc lồng đèn được ra thành phẩm và các đơn hàng liên tục được gửi đến các trường học, công ty và cửa hàng bán lẻ để chuẩn bị cho mùa Trung thu”.

Chú thích ảnh

Bà Nguyễn Kim Thu đang thực hiện công đoạn buộc kẽm và định hình khung lồng đèn.

Nhiều năm qua, để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cửa hàng của những nghệ nhân làng nghề Phú Bình phải nhập thêm lồng đèn điện tử về bán. Tuy nhiên, khách hàng đến đây vẫn tìm mua những mẫu lồng đèn thủ công nhiều hơn. Để lan tỏa vẻ đẹp của lồng đèn truyền thống, nhiều nghệ nhân ở đây còn tổ chức các buổi workshop hướng dẫn học sinh cách làm lồng đèn. Bất kể ai có mong muốn tìm hiểu về quy trình tạo nên một chiếc lồng đèn thủ công, đều được các nghệ nhân ở xóm lồng đèn Phú Bình chỉ dẫn tận tình.

Chú thích ảnh
 

Chú thích ảnh

Lồng đèn truyền thống bằng giấy kiếng được sản xuất tại xóm lồng đèn nghề Phú Bình.

Một trong những thách thức lớn nhất mà làng nghề Phú Bình phải đối mặt hiện nay là thiếu hụt thế hệ kế cận. Giới trẻ ngày nay ít ai còn muốn theo nghề thủ công, nhất là nghề làm lồng đèn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và thời gian dài. Ông Nguyễn Thành Nam thừa nhận: “Nghề này khó mà làm giàu, nên các con cháu nhiều khi không mặn mà với việc tiếp nối nghề, thế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng truyền dạy cho con cháu, ít nhất không để nghề bị mai một”.

Theo Báo Tin Tức