Hợp tác toàn cầu vượt qua thách thức

16/12/2020 - 08:42

Thế giới đi qua năm 2020 với cuộc khủng hoảng đa chiều xuất phát từ "kẻ thù vô hình" mang tên Covid-19. Kinh tế suy thoái mức độ nghiêm trọng chẳng kém các cuộc đại khủng hoảng trong quá khứ, hệ thống quản trị toàn cầu chịu "cú sốc" và chủ nghĩa đa phương bị đặt trước thử thách chưa từng có. Tuy nhiên, chính Covid-19 đã làm nổi bật yêu cầu cấp thiết là hợp tác toàn cầu để vượt qua những thách thức chung.

Khủng hoảng tồi tệ

Khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12-2019, dịch Covid-19 bắt đầu lan nhanh và rộng ra thế giới từ đầu năm 2020. Cho đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là "đại dịch toàn cầu" vào ngày 11-3-2020, lượt tìm kiếm từ "đại dịch" trên các trang mạng ngay lập tức tăng với tốc độ chóng mặt. Ðiều này phản ánh sự hiểu biết chưa đầy đủ về chủng vi-rút nhỏ bé, không phân biệt biên giới, len lỏi vào ngóc ngách đời sống của mọi người dân và cộng đồng trên khắp thế giới, bất kể là cường quốc hay nước nhỏ, quốc gia giàu hay kém phát triển. Vì thế, không khó hiểu khi phản ứng tức thời của phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ khi đối mặt Covid-19 là co mình, tự vệ, thay vì tìm kiếm các giải pháp đa phương.

Những sự kiện được chờ đợi đầu năm 2020 đáng buồn lại là các biện pháp phong tỏa, được nhiều nước xem là lựa chọn duy nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh. Các quốc gia, khu vực tìm cách ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bằng cách hạn chế di chuyển, đình chỉ nhiều hoạt động không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội. Các biện pháp ngặt nghèo đã cứu nhiều người, phần nào giúp kiểm soát dịch bệnh, nhưng cũng gây ra cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái những năm 1930. Ðơn cử, chỉ sau vài tuần Covid-19 hoành hành, một phần ba nền kinh tế toàn cầu đã bị đóng cửa, hầu hết các lĩnh vực bị tê liệt. Sau sáu tháng, kinh tế thế giới được xác định chính thức rơi vào cuộc suy thoái, mức độ tương tự hoặc còn tồi tệ hơn so cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính giai đoạn 2008 - 2009. Trong báo cáo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố giữa tháng 6, Covid-19 khi đó đã tác động tới tất cả khu vực địa lý, "cuốn trôi" cả 12 nghìn tỷ USD của cải trên thế giới, làm GDP toàn cầu giảm tới 4,9% so năm 2019, cao hơn nhiều so mức giảm 0,1% vào thời điểm ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Nhiều nền kinh tế lớn liên tiếp thông báo rơi vào suy thoái, thậm chí không lâu sau khi bị Covid-19 tiến công và danh sách các nền kinh tế suy thoái vẫn được bổ sung cho đến tận cuối năm 2020...

Nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 tại phòng thí nghiệm của Ðại học Quyn-xlen, Ô-xtrây-li-a. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Sau thời gian hoảng loạn ban đầu, các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh cũng từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Thế nhưng tâm lý bi quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đè nặng. Nhận định chung của các tổ chức quốc tế vẫn khẳng định, Covid-19 đặt kinh tế toàn cầu trong môi trường đầy bất trắc. Thời điểm đầu khủng hoảng, nhiều dự báo đồn đoán về sự phục hồi nhanh chóng, theo hình chữ V, với kỳ vọng các gói kích thích đủ lớn có thể giúp nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên cho đến cuối năm, mô hình phục hồi chữ V đã không còn được nhắc nhiều. Khó khăn không chỉ ở những nước, những nơi chưa thể kiểm soát Covid-19, mà với cả những quốc gia được đánh giá thành công bước đầu trong xử lý đại dịch. Triển vọng phục hồi trở nên ảm đạm hơn khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn loay hoay trong triển khai mục tiêu kép, vừa phải áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, vừa phải khôi phục các hoạt động kinh tế. Theo IMF, kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu tích cực sau thời gian suy giảm nghiêm trọng vì Covid-19, nhưng triển vọng phục hồi còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là tiến trình phát triển, sản xuất và phân bổ vắc-xin ngừa Covid-19, cùng với mức độ căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực...

Vực dậy tinh thần đa phương

Suy thoái kinh tế, khủng hoảng sức khỏe cộng đồng là biểu hiện dễ thấy từ tác động đa chiều của đại dịch, song cũng có "cú sốc" khác, không kém phần nghiêm trọng. Covid-19 đã nới rộng sự chia rẽ giữa các quốc gia và khu vực, làm lộ rõ hơn khủng hoảng về vai trò lãnh đạo tập thể và hành động toàn cầu. Sự nghi kỵ, buộc tội lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan nguồn gốc Covid-19, cùng bước đi ngược chiều của Mỹ rút lại cam kết hỗ trợ WHO, đã khiến hai siêu cường tự đánh mất vai trò đi đầu trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ. Cuộc đua sở hữu vắc-xin ngừa Covid-19 diễn ra gay gắt cùng nguy cơ "chủ nghĩa dân tộc" chưa được loại bỏ. Nỗ lực tập thể nhằm kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ các nước nghèo chống chọi Covid-19 và phục hồi sau đại dịch còn chưa chắc chắn... Thực tế này đặt ra thách thức lớn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, trong khi đây lại là yêu cầu cấp thiết và là lựa chọn tốt nhất để đưa thế giới vượt qua đại dịch.

Khẳng định không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình vượt qua đại dịch, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi đoàn kết toàn cầu, ngừng bắn trên toàn thế giới, ngừng các biện pháp trừng phạt đơn phương, để tập trung nguồn lực chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng. Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 thông qua nghị quyết, lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh. Ðây là bước đi quốc tế đầu tiên, nhằm nâng cao nhận thức của tất cả các quốc gia, người dân và cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống và ứng phó tác động của dịch bệnh, một trong những thách thức không biên giới phức tạp trong thời hiện đại.

Hợp tác trong phát triển và phân bổ vắc-xin phòng Covid-19, phối hợp biện pháp nhằm củng cố đà phục hồi kinh tế là những vấn đề nổi bật trong các hội nghị, diễn đàn và thảo luận cấp cao của khu vực và quốc tế. Với tư cách những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm G20 đã đi đầu thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các nước kém phát triển hơn vượt qua khủng hoảng. Thông điệp đa phương được đề cao, thể hiện qua cam kết bảo đảm quyền tiếp cận, phân phối vắc-xin một cách công bằng, rộng rãi và hiệu quả; duy trì và mở rộng cơ chế giảm, giãn và xóa nợ cho các nước nghèo nhằm giúp họ tập trung nguồn lực chống chọi dịch bệnh và khôi phục kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.

Ở cấp độ khu vực, ASEAN nổi lên với vai trò trung tâm, là mái nhà chung để các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua "bão Covid-19", trong đó nổi bật là nỗ lực triển khai mục tiêu kép, vừa duy trì đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng, vừa ứng phó hiệu quả tác động của Covid-19. ASEAN là khu vực có hành động chung sớm nhất trong việc ngăn chặn dịch lây lan. Một năm đầy thử thách đã chứng kiến nỗ lực bền bỉ của ASEAN, với tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết và thống nhất, duy trì hợp tác ứng phó thách thức đa chiều từ khủng hoảng dịch bệnh. Trong quan hệ đối ngoại, ASEAN có bước đi quan trọng, khi nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại với Liên hiệp châu Âu (EU) lên Ðối tác chiến lược, phản ánh tầm nhìn chiến lược chung của hai tổ chức khu vực về hợp tác đa phương, vì hòa bình ổn định và phát triển của thế giới.

Tương tự, APEC cũng có tiến triển mang tính bước ngoặt, khi thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21, cũng như góp phần củng cố và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực. Trong bối cảnh đại dịch phá hỏng các chuỗi thương mại, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, tầm nhìn chiến lược hai thập niên của Diễn đàn là bước chuẩn bị kịp thời cho giai đoạn hậu Covid-19, nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế và thương mại khu vực. Ðịnh hướng dài hạn của APEC nhằm mục tiêu xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường vì hòa bình, thịnh vượng chung của tất cả người dân.

Lịch sử thế giới có thể ghi nhận đại dịch Covid-19 là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 21, làm thay đổi cách vận hành của nhiều xã hội và phương thức quản trị của nhiều chính phủ. Song, mục tiêu kiên định vẫn là duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, giữ vững tinh thần đa phương, hợp tác toàn cầu là dòng chủ lưu trong quan hệ quốc tế.

Theo SƠN NINH (Báo Nhân Dân)