Những màn đu dây trên không vô cùng đẹp mắt của ThắngNHÂN VẬT CUNG CẤP
Thắng vào nghề được 13 năm và bén duyên từ một lần rất tình cờ. Thắng kể, lúc 13 tuổi thì trường xiếc Hà Nội về quê của Thắng để tuyển sinh khóa mới và cô giáo chủ nhiệm lớp mà sau này Thắng theo học hỏi, có ai muốn tham gia tuyển sinh. Lúc đó, Thắng giơ tay xin nhận tấm vé tuyển sinh ấy ngay vì từ nhỏ đã rất thích chạy nhảy leo trèo nên nghe đến tuyển xiếc thì rất thích thú. Sau khi dự tuyển và học tạo nguồn (lớp thử năng khiếu) 2 tháng, Thắng được chọn chính thức vào trường xiếc để theo học khóa học 5 năm.
Trịnh Thắng (bên phải) khi tham gia các gameshow truyền hình NHÂN VẬT CUNG CẤP
Hiện tại, Thắng đang công tác tại đoàn xiếc TP.HCM. Ngoài việc đi diễn tại rạp xiếc thành phố và các tỉnh thành thì Thắng thường xuyên đi lưu diễn ở nước ngoài như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Đài Loan,…
Mỗi lần xuất hiện, Thắng luôn gây ấn tượng mạnh cho khán giả với những màn trình diễn điêu luyện, chuẩn xác và đẹp mắt ở các thể loại như đu dây lụa, thăng bằng đôi và múa cột trên không,…
Tuy nhiên, để được như bây giờ Thắng đã phải khổ luyện 5 năm trong trường xiếc và 8 năm vừa tập luyện và biểu diễn thường xuyên. “Vì bộ môn xiếc này đặc thù là kể cả khi diễn thuần thục mà chỉ cần bỏ tập luyện một vài ngày thì sẽ mất cảm giác và gây nguy hiểm khi biểu diễn . Nên trong một tuần, ngày nào mình cũng tập ít nhất 2 - 3 tiếng. Và chỉ cho phép mình nghỉ tập duy nhất một ngày là chủ nhật để thư giãn”, Thắng tâm sự.
Riêng với bộ môn đu dây trên không thì theo Thắng quan trọng nhất là sức tay và sức vai. Cả 2 phải chắc, khống chế tốt để có thể điều chỉnh hướng người theo ý muốn của mình khi ở trên không. Còn về thăng bằng đôi thì cần thiết nhất cũng là tay vai và cơ bụng phải khỏe và chắc thì mới có thể cõng thêm bạn diễn đứng bằng 2 tay được.
Thắng cũng thành thật: “Nghề xiếc thực sự có rất nhiều nguy hiểm nhưng cũng may là Thắng lại yêu thích sự mạo hiểm của bộ môn xiếc này và cũng rất may khi được gia đình ủng hộ tin tưởng khả năng là Thắng có thể làm được những gì mà Thắng muốn làm”.
Nhớ về những gian truân trong nghề, Thắng kể cũng có nhiều lần khi tập và biểu diễn đã bị trục trặc kỹ thuật. Như trong lần đi diễn bộ môn đứng tay, khi Thắng thực hiện động tác kết là đứng tay và câu bạn diễn trên người thì bất ngờ bị trượt vì sàn trơn nên Thắng và bạn diễn đã té từ trên bàn xuống. Cũng may là bạn diễn xoay người đỡ được nhưng Thắng thì đau vai phải nghỉ 2 tháng.
Nhưng cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp, đáng nhớ mà Thắng thấy hạnh phúc và cũng là động lực mà Thắng giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.
“Cái nghề này được đi khắp nơi, và trong những lần cùng anh em trong đoàn đi diễn ở những huyện vùng sâu, vùng xa cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mồi lần như thế, thấy bà con và các em nhỏ ở đó rất vui và hào hứng. tự thấy trong lòng vui lạ vì bộ môn xiếc của mình đã mang lại món ăn tinh thần cho những người ở nơi đây. Và nhưng lần đi lưu diễn nước ngoài cũng vậy, vừa được học hỏi, giao lưu với các bạn xiếc ở bên đó vừa biểu diễn cho những khán giả bên đó xem biết đến xiếc Việt Nam của mình. Mỗi lần vậy khán giả cũng rất hào hứng và dành nhiều lời khen”, Thắng không giấu được cảm xúc hạnh phúc, kể.
Không những thế, Thắng cũng rất hạnh phúc khi được khán giả yêu mến gọi với cái tên hot boy làng xiếc. “Đi đâu mọi người cũng gọi là hot boy làng xiếc, Thắng thấy thích và vui lắm. Vì được làm hotboy của bộ môn mình yêu nhất mà (cười)”.
Theo NỮ VƯƠNG (Thanh Niên)