Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới

03/10/2023 - 06:38

 - Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh An Giang cho biết, hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9), đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, nhằm cải thiện nhận thức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai, để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên cho học sinh phổ thông

Ngày Tránh thai thế giới năm 2023 truyền tải thông điệp “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai. Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai, vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn. Đẩy mạnh truyền thông về Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Trên cơ sở cuộc thi trên mạng Internet do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức nhân Ngày Tránh thai thế giới năm 2023, với tên gọi “Phụ nữ thời đại mới tự tin trong từng lựa chọn”, Chi cục DS-KHHGĐ An Giang phát động cuộc thi trên địa bàn tỉnh để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của đội ngũ dân số các cấp, công tác dân số nói chung và công tác truyền thông, vận động người dân sử dụng biện pháp tránh thai để thực hiện KHHGĐ nói riêng ở An Giang đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, mô hình gia đình ít con, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc trở thành chuẩn mực và lan rộng trong cộng đồng dân cư.

Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9), những năm qua, Sở Y tế, Chi Cục DS-KHHGĐ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi từ cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc chủ động tránh thai, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là việc sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các hoạt động lồng ghép nội dung dân số vào chương trình của ngành, đơn vị. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các mô hình truyền thông nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội; tổ chức tọa đàm, hội thi, hội nghị, sơ kết công tác DS-KHHGĐ 9 tháng của năm 2023 lồng ghép các hoạt động kỷ niệm...

Các đơn vị treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với các nội dung: “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”; “Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn”; “Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn”; “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”...

Phối hợp cơ quan truyền thông địa phương thực hiện đưa tin, bài viết về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, phòng tránh thai chủ động. Tiếp tục các hoạt động truyền thông tư vấn, cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng. Lồng ghép các hoạt động truyền thông khác, như: sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên”, CLB “Tiền hôn nhân”, CLB “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”...

Truyền thông phòng tránh thai an toàn giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh các tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn là do không áp dụng biện pháp tránh thai; do thất bại của các biện pháp tránh thai (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả) và do nhu cầu không được đáp ứng (có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ). Việc phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản, như: vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

HẠNH CHÂU