Dinh Ông Thẻ tại xã Cần Đăng
Chuyện cây thẻ bị chôn vùi trăm năm
Mờ sáng, chúng tôi về xã Cần Đăng (huyện Châu Thành). Tới chợ hỏi thăm dinh Ông Thẻ, bà con chỉ dẫn nhiệt tình. Men theo con kênh, chạy thẳng vào vùng trong khoảng 1km thì tới nơi. Người dân sinh sống gần đó nhớ lại, ngày trước dinh Ông Thẻ chỉ là lán trại nhỏ nằm đìu hiu giữa đồng trống. Trải hơn trăm năm, người dân tổ chức xây cất khang trang để du khách đến viếng. Gặp chú Chín Tồn (66 tuổi), người đang trông coi hương khói tại đây nói rằng, cây thẻ nằm sâu dưới đất phía trước dinh, không lấy lên được. Đây là cây thẻ số 1 do Quản cơ Trần Văn Thành thừa lệnh Phật thầy Tây An đến vùng đất này cắm. Ngày trước, nơi đây hoang sơ được ông nội của ông Bảy Thảo (85 tuổi) phát hiện.
Trong căn nhà cấp 4, ông Bảy Thảo đang ngồi nói chuyện thều thào với người quen. Giọng ông yếu ớt, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cũ tích xưa về cây thẻ thì ông rất nhiệt tình. Nhớ thời ông nội của mình phát hiện cây thẻ, ông Bảy Thảo bồi hồi kể, thuở trước vùng đất này hoang vắng lắm! Lần đi khai khẩn, ông nội vô tình gặp cây gỗ làu táu to bằng bắp chân cao hơn 1m, có quấn vải đỏ, trên đầu được đẽo hình búp sen rất đẹp...
Thuở xưa, cây thẻ được người dân tín ngưỡng đến thắp hương khấn vái. Người ta truyền tai nhau, loại gỗ này trị được tà, bách bệnh, rồi kéo nhau đến đẽo lấy từng mảnh gỗ mang về nấu uống. Từ đó, cây thẻ khuyết dần, rồi mất luôn hình búp sen trên đầu. Ông Bảy Thảo cho hay, sau này, ông nội mình cất nhà gần đó để giữ cây thẻ. Về sau, ông vận động bà con lối xóm cùng nhà hảo tâm đến xây cất lại dinh để thờ cúng trang nghiêm. Riêng cây thẻ nằm sâu dưới đất ruộng, trải qua năm tháng nền đất tôn cao, cây thẻ bị chôn vùi. Ngày nay, đến dinh Ông Thẻ số 1 tại xã Cần Đăng, du khách chỉ thấy trên bàn thờ có đặt bài vị và lư hương để mọi người thờ cúng tín ngưỡng dân gian.
Trâu gặp cây thẻ không dám lại gần
Trưa nắng gắt, rời xã Cần Đăng, qua kênh Mặc Cần Dưng, men theo tuyến đường nông thôn qua mấy con kênh, chúng tôi mới đến được dinh Ông Thẻ số 2. Nằm cặp con kênh nhỏ, dinh Ông Thẻ thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú) được người dân xây cất khang trang. Ông Năm Cường (56 tuổi) đời thứ 3 làm từ trông coi dinh này nhớ lại: “Nghe ông nội tôi kể, ngày trước “Ông Thẻ” được Quản cơ Trần Văn Thành mang đến cánh đồng này cắm. Thời đó, nơi đây hoang hóa, lau, sậy mọc um tùm. Những người lùa trâu ăn cỏ thì bất ngờ gặp cây thẻ có hình dáng rất đẹp”.
“Lúc đó, hàng ngàn loại gỗ, người ta chưa biết cây này là gì? Nhưng thật lạ, trâu, bò đến gặp cây thẻ này thì nhảy dựng và không dám tới gần. Từ đó, người dân truyền tai nhau hình dáng loại gỗ làu táu thì được biết là cây thẻ do bậc tiền nhân cắm” - ông Năm Cường chậm rãi nói. Chúng tôi vào trong dinh tận mắt nhìn cây thẻ, một cây to bằng bắp chân cao khoảng 1m, còn cây kia thấp hơn được ai đó đẽo mòn, trông như hình dáng gỗ lũa chắc chắn. Ông Năm Cường cho hay, ngày trước, thấy cây thẻ này, người dân dùng nón lá che nắng, che mưa. Sau đó, cũng có vài người đến đẽo lấy gỗ đem về không biết làm gì? Sợ cây thẻ bị mất, dân làng đến cất ngôi miếu giữ gìn cho tới bây giờ. Hiện nay, cây thẻ số 2 này được người dân đặt trên bàn thờ gìn giữ như báu vật.
Hàng ngày, dinh Ông Thẻ được nhiều người lui tới cúng kiếng. Mỗi năm, vào các ngày rằm lớn, nơi đây tổ chức cúng cơm chay, thu hút hàng ngàn du khách đến viếng. Theo ông Cường, ngày chính cúng Ông Thẻ tại đây là 16/8 (âm lịch). Trong số 5 cây thẻ được Quản cơ Trần Văn Thành cắm tại các điểm, chúng tôi đã đến được 4 nơi, trừ cây thẻ số 4 nằm ở xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) là chưa có dịp tới. Hôm đến chùa Bà Bài nằm cặp bờ kênh huyền thoại Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc), chúng tôi ngỡ ngàng trước không gian sạch đẹp, khang trang nơi đây. Vào bên trong thì thấy cây thẻ được đặt trong tủ kính có quấn chiếc khăn màu đỏ. Cây thẻ dường như đã bị bào mòn theo thời gian. Hàng ngày, nơi đây được nhiều du khách gần xa đến chiêm ngưỡng cây thẻ huyền bí này.
Trong số 5 cây thẻ được cắm, có cây thẻ “trung tâm” nằm trên núi Cấm chưa ai thấy. Lần theo địa chỉ, leo lên tận đỉnh núi Cấm, được bà con chỉ dẫn, chúng tôi đến hang Ông Thẻ nằm tại vồ Đầu. Trước miệng hang được người dân ghi “Hang Ông Thẻ”. Bên trong hang tối tăm, không có cây thẻ nào được cắm ở đó. Ngước nhìn bên trên phiến đá, chúng tôi thấy nhiều chữ màu đỏ. Theo sơn dân, hang Ông Thẻ được nhiều du khách thập phương đến khám phá.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, chuyên nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, Phật Thầy Tây An sai đệ tử cắm thẻ là nhằm ngăn chặn “kẻ dữ” xâm phạm chủ quyền địa giới, chứ không nói gì đến việc trấn ếm hay giải trừ trấn ếm. Chuyện kể rằng, sau khi Phật Thầy Tây An đã trị khỏi bệnh dịch tả cho hàng trăm người ở làng Tòng Sơn, ông để lại 2 vật gồm: Lá cờ (tấm vải đỏ còn gọi là trần điều) và “Cây thẻ Năm Ông” làm bằng gỗ làu táu. Sau này, nếu ai có bệnh thì đến đó đẽo cây mà nấu nước uống. Với tinh thần bảo tồn, nhất là bảo tồn cổ vật mang tính tâm linh, người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã nhổ một số cây thẻ đặt trong lồng kính để thờ. Từ đó, người ta xem đây là “vật thiêng” nhân hóa lên thành “Ông Thẻ”. Do đó, việc cắm thẻ ở các nơi thuộc vùng Thất Sơn mang ý nghĩa là những cột mốc để người trong đạo biết mà bảo vệ “chủ quyền”, ngăn chặn kẻ gian lấn cướp thành quả do chính mình khai phá.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, ngày xưa, người dân dùng gỗ làu táu làm hàng rào rất bền. Loại gỗ này có ở rừng Bảy Núi, nhưng rất hiếm. Ở một số nơi, người ta thờ gỗ làu táu (gọi là Ông Thẻ) để kỷ niệm những câu chuyện mang tính truyền thuyết, chứ không phải thờ cây làu táu. |
LƯU MỸ