Huyện Châu Phú giảm nghèo bền vững

25/01/2022 - 06:43

 - Với việc triển khai đồng bộ, đa dạng giải pháp, công tác giảm nghèo ở huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) có được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Người dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo, như: Thường xuyên điều tra, rà soát, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, cận nghèo của địa phương, không bỏ sót đối tượng. Thực hiện nghiêm quy trình, phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo theo quy định. Tổ chức đối thoại, lập danh sách dự kiến hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo; tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ thực sự chí thú làm ăn, có phương án sản xuất tiếp cận vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Diệu Thiện (ngụ xã Bình Long) được địa phương định hướng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất - kinh doanh. Chị Diệu Thiện cho biết, gia đình nghèo, không có đất sản xuất nên phải thuê 6 công đất (giá 4,5 triệu đồng/công/năm) để trồng rau, màu sinh sống và nuôi 5 đứa con ăn học. Trước đây, gia đình chị hỏi vay tiền lãi suất cao bên ngoài để mướn đất, mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng vụ. Năm 2018, chị được chính quyền địa phương giới thiệu, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú cho vay 30 triệu đồng.

Nhờ chí thú làm ăn, nắm vững kỹ thuật canh tác, cần cù trong lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, gia đình chị thoát nghèo, trả xong tiền vay (gốc và lãi suất) trước thời hạn ký kết với ngân hàng. Từ kết quả đó, gia đình chị tiếp tục được ngân hàng hỗ trợ cho vay thêm 50 triệu đồng, mở rộng diện tích canh tác. “Từ lúc được nhà nước cho vay vốn, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn trước. Mỗi năm, từ 6 công đất trồng rau, màu, trừ hết chi phí, tôi còn lời 120 triệu đồng, đủ lo cho cuộc sống và con cái ăn học. Chúng tôi rất cám ơn chính quyền địa phương” - chị Diệu Thiện chia sẻ.

Không chỉ vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Châu Phú còn tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo về sản xuất, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Họ được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, phát triển làng nghề, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích và nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Nguyễn Thanh Tú (ngụ xã Bình Long) cho biết, trước đây cuộc sống mưu sinh của vợ chồng anh rất khó khăn, nhà cửa dột nát nhưng không đủ tiền sửa chữa. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ nhà “Mái ấm tình thương”, vợ chồng anh mới có được căn nhà khang trang, ấm cúng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn được vay 30 triệu đồng để mua bán cá. “Từ lúc được hỗ trợ căn nhà mới và tiền vốn mua bán, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, phát triển hơn trước rất nhiều” - anh Tú vui mừng.

Từ những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, cùng việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả dự án, chính sách giảm nghèo, đời sống của người nghèo trên địa bàn được cải thiện, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội. Đến nay, công tác giảm nghèo ở huyện Châu Phú chuyển biến tích cực, dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư trên địa bàn. Đầu năm 2021, toàn huyện có 916 hộ nghèo (tỷ lệ 1,53%); 3.272 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,47%). Đến cuối năm, toàn huyện còn 496 hộ nghèo  (tỷ lệ 0,83%, giảm 0,7% so với đầu năm); hộ cận nghèo còn 2.675 hộ (tỷ lệ 4,48%, giảm 0,99% so với đầu năm).

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Phú Nguyễn Thành Niệm cho biết, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai kế hoạch giảm nghèo. Tăng cường cơ chế lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn tỉnh, huyện để công tác giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Các chính sách giảm nghèo được xác định theo hướng phân loại tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất; chính sách hỗ trợ cộng đồng, như: Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ấp, xã, hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng...

Địa phương mở rộng và tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào việc xác định đối tượng thụ hưởng, đến việc lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai thực hiện ở cấp xã, quản lý nguồn lực. Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình giảm nghèo ở cấp xã; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả giảm nghèo. Đồng thời, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo của huyện… nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 0,7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Phú, nhiệm kỳ 2020-2025.

TRỌNG TÍN