Indonesia chính thức động thổ xây dựng thủ đô mới

15/03/2022 - 14:39

Tại “Điểm 0” của dự án thủ đô mới, Tổng thống Widodo đã trộn đất và nước, đổ vào chiếc chum đồng lớn để tượng trưng cho sự thống nhất quốc gia.

Tổng thống Joko Widodo (áo trắng -giữa) thực hiện nghi lễ trộn nước với đất lấy từ 34 tỉnh trên cả nước, tượng trưng cho sự thống nhất quốc gia. Ảnh: Phủ Tổng thống Indonesia/AFP

Indonesia đã chính thức khởi động dự án xây dựng thủ đô quốc gia mới tại huyện Penajam Paser Utara thuộc tỉnh Đông Kalimantan vào ngày 14/3. Tổng thống Joko Widodo đã chủ trì buổi lễ động thổ.

Tại “Điểm 0” của dự án thủ đô mới, Tổng thống Widodo đã được trao một bao đất lấy từ 34 tỉnh của Indonesia và một chậu nước. Sau đó, ông Widodo trộn đất và nước, đổ vào một chiếc chum lớn trong nghi lễ thể hiện sự thống nhất quốc gia, điều được hy vọng sẽ được củng cố với thủ đô mới Nusantara.  

Tổng thống Widodo phát biểu: “Hôm nay, chúng ta tụ họp ở đây vì khát vọng lớn và công trình lớn mà chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện, đó là việc xây dựng Ibu Kota Nusantara".

"Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các thống đốc. Xây dựng Ibu kOta Nusantara thể hiện sự đoàn kết trong đa dạng của chúng ta, tình đoàn kết mạnh mẽ giữa chúng ta”, ông Widodo nhấn mạnh.

Trước đó, Rudy Soeprihadi Hartono, Phó giám đốc Sở phát triển vùng thuộc Cơ quan Quy hoạch Phát triển Quốc gia, cho biết tỉnh Đông Kalimantan được chọn vì các thành phố ở đây phát triển mạnh hơn so với các tỉnh khác.

"Ở Đông Kalimantan, khả năng xảy ra các thảm họa thiên nhiên như sóng thần và núi lửa là tương đối nhỏ. Và dân số trong tỉnh cũng rất đa dạng", ông Hartono nói.

Dự án xây dựng Thủ đô Nusantara sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Quá trình này sẽ bắt đầu với việc xây dựng khu vực chính phủ trung ương, nơi có dinh tổng thống, các tòa nhà văn phòng chính phủ và các khu nhà ở cho nhân viên chính phủ, bao gồm cả quân đội và cảnh sát.

Dự kiến khoảng 60.000 nhân viên chính phủ sẽ được chuyển từ Jakarta đến Nusantara vào cuối năm 2023. Các ước tính cũng cho thấy dân số ở thủ đô mới của Indonesia sẽ lên tới khoảng 320.000 người vào năm 2045.

Giao thông vào giờ cao điểm ở Jakarta sẽ không trở thành một hình ảnh quen thuộc với thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AP

Nguồn tài chính cho dự án trị giá hàng tỷ đô-la này chủ yếu được khai thác từ các quan hệ đối tác công tư và đầu tư tư nhân. Chỉ 1/5 chi phí là từ ngân sách nhà nước.

Bambang Susantono, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, một chuyên gia cơ sở hạ tầng, nói với truyền thông địa phương rằng Indonesia sẽ xây dựng một thể chế "có năng lực và có thể hoạt động khẩn trương cùng với tất cả các bên liên quan" trong dự án.

Phó Thống đốc Đông Kalimantan Hadi Mulyadi cho biết sự hiện diện của thủ đô mới sẽ có tác động tốt đến 10 huyện và thành phố trong khu vực, hầu hết vẫn có cơ sở hạ tầng yếu kém.

Ông Tohar, quyền chánh văn phòng chính quyền huyện Penajam Paser Utara, nói với báo chí rằng dự án mới sẽ được thực hiện mà không gây ra khoảng cách phát triển giữa thủ đô mới và các khu vực xung quanh.

Tổng thống Joko Widodo lần đầu tiên công bố kế hoạch dời thủ đô của Indonesia vào năm 2019, trong một nỗ lực nhằm giải tỏa những thách thức lớn về môi trường mà thủ đô Jakarta hiện tại đang phải đối mặt và cũng như thúc đẩy thịnh vượng ra các khu vực khác. Việc di chuyển thủ đô đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Chính phủ hy vọng thủ đô mới sẽ giảm bớt gánh nặng cho Jakarta, thành phố 10 triệu dân thường xuyên bị ngập lụt và là một trong những thành phố đang “chìm” nhanh nhất trên thế giới do khai thác quá nhiều nước ngầm.

Tuy vậy các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo rằng dự án này sẽ có nguy cơ đẩy nhanh ô nhiễm ở Đông Kalimantan, và góp phần phá hủy các khu rừng nhiệt đới, nơi sinh sống của đười ươi, gấu chó và khỉ mũi dài.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)