Indonesia thông báo kế hoạch tự sản xuất vắcxin ngừa COVID-19

02/09/2020 - 09:12

Tổng thống Joko Widodo tuyên bố liên danh các công ty trong nước được giao nhiệm vụ phát triển loại vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 hiện ở trong quá trình sản xuất “hạt giống vắcxin”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 1-9 cho biết nước này đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được phát triển trong nước vào giữa năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại phiên họp nội các, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố liên danh các công ty trong nước được giao nhiệm vụ phát triển loại vắcxin tiềm năng ngừa COVID-19 hiện ở trong quá trình sản xuất “hạt giống vắcxin.”

Ông cho hay quá trình trên đã hoàn tất được 30-40%, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các thử nghiệm lâm sàng có thể được khởi động vào đầu năm 2021, trước khi bắt đầu sản xuất thương mại vào giữa năm tới.

Được đặt tên theo màu quốc kỳ Indonesia, vắcxin “Merah Putih” (Đỏ và Trắng) đang được một liên danh thuộc Bộ Nghiên cứu và Công nghệ do Viện Sinh học phân tử Eijkman đứng đầu, phát triển.

Nhóm gồm 10 nhà nghiên cứu trẻ đang phát triển một loại vắcxin đặc biệt cho chủng virus đang lây lan tại Indonesia.

Trước đó, Giám đốc Viện Eijkman, ông Amin Soebandrio cho biết loại vắcxin này dự kiến sẽ đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Ngoài việc tự phát triển vắcxin, Indonesia cũng đã đặt mua 290 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir tới Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Số vắcxin này sẽ được bàn giao cho Indonesia trước cuối năm sau.

Trước đó, Ngoại trưởng Marsudi tiết lộ rằng Indonesia sẽ nhận được 20-30 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay, khoảng 80-130 triệu liều trong quý 1-2021 và 210 triệu liều trong thời gian còn lại của năm 2021.

Hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc - một trong 2 nhà cung cấp vắcxin COVID-19 cho Indonesia - đã hợp tác chặt chẽ với quốc gia Đông Nam Á này để giúp phát triển loại vắcxin của riêng mình. Hiện nay, vắcxin ngừa COVID-19 của Sonovac đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 1.620 tình nguyện viên tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia.

Trong khi đó, Tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Novartis mới đây thông báo kế hoạch đầu tư 70 triệu CHF (77,5 triệu USD) cho hai dây chuyền sản xuất mới được dành riêng để sản xuất các thành phần hoạt tính cho thuốc thử nghiệm.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, các dây chuyền sản xuất sẽ được phát triển trong một tòa nhà hiện có ở khu công nghiệp Schweizerhalle vùng ngoại ô Basel.

Khoản đầu tư này khẳng định tầm quan trọng của Schweizerhalle như một địa điểm sản xuất toàn cầu. Dự kiến, cơ sở mới này sẽ được đưa vào vận hành vào cuối năm sau.

Thông báo của hãng dược phẩm nổi tiếng Thụy Sĩ này cho rằng đại dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều vấn đề hơn dự kiến với một loạt làn sóng tấn công các quốc gia khác nhau.

Trong thông báo, Giám đốc điều hành Novartis, ông Vas Narasimhan cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ không đột ngột biến mất hoặc có đủ số người được miễn dịch cộng đồng, nên cần "thực tế" hơn khi đánh giá khả năng đại dịch sẽ tiếp tục "ám ảnh" thế giới trong năm tới.

Hiện Novartis đã bán gần hết đơn vị vắc xin của mình vào năm 2015 và ông Narasimhan thừa nhận rằng sẽ “cực kỳ khó khăn” để xây dựng lại năng lực này từ đầu trong một khoảng thời gian ngắn.

Là một công ty hàng đầu về thuốc toàn cầu, Novartis sử dụng khoa học tiên tiến và công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các phương pháp điều trị cải tiến trong các lĩnh vực y tế cần thiết.

Trong nhiệm vụ tìm kiếm các loại thuốc mới, Novartis luôn được xếp hạng trong số các công ty hàng đầu thế giới đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Các sản phẩm của Novartis tiếp cận gần 800 triệu người trên toàn cầu và công ty đang tìm những cách sáng tạo để mở rộng khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị mới nhất của mình. Khoảng 109.000 người thuộc hơn 140 quốc tịch làm việc tại Novartis trên khắp thế giới.

Theo HỮU CHIẾN - TỐ UYÊN (TTXVN/Vietnam+)