Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo con số này cho thấy cuộc khủng hoảng di cư sẽ còn kéo dài, do đó cần tăng cường nguồn lực và hợp tác quốc tế để kiểm soát tình trạng này.
Người di cư chờ được đưa từ làng Bajo Chiquito tới trung tâm tiếp nhận di cư ở Lajas Blancas, tỉnh Darien, Panama, ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, người đứng đầu phái bộ IOM tại Panama Santiago Paz cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra ở Mỹ Latinh đang đẩy hàng nghìn người rời bỏ quê hương để đuổi theo “giấc mơ Mỹ”, với hi vọng sẽ tìm được việc làm và cuộc sống ấm no. Ông Santiago Paz nhận định tình trạng này đã và đang xảy ra, và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Số liệu của cơ quan nhập cư Panama cho thấy năm ngoái khoảng 134.000 người di cư đã vượt rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa nước này và Colombia. Ông Santiago Paz nhấn mạnh con số này tương đương với tổng số người di cư ghi nhận trong toàn bộ thập kỉ trước, cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Trong 2 tháng đầu năm 2022, con số này là 8.546 người, gấp gần 3 lần con số 2.928 người ghi nhận trong cùng kì năm ngoái.
Quan chức IOM cho biết năm 2021, tổ chức này đã kêu gọi khu vực huy động 75 triệu USD nhằm hồ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của làn sóng di cư với đích đến chủ yếu là Mỹ, ngoài ra còn có Canada và Mexico. Đến nay IOM đã tiếp cận được một số nguồn lực nhưng vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa.
Do đó, ông Santiago Paz tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực nhằm đương đầu với cuộc khủng hoảng di cư, một hiện tượng yêu cầu cách tiếp cận toàn khu vực, nhất là xác định căn nguyên của vấn đề và tìm ra giải pháp hợp lí. IOM cũng kêu gọi các nước tiếp nhận người di cư bảo đảm quyền tiếp cận các thủ tục xin tị nạn, thêm lựa chọn về tình trạng lưu trú, truy quét tội phạm buôn lậu và buôn người, cũng như đấu tranh chống phân biệt đối xử và nạn bài ngoại.
Theo HỒNG HẠNH (TTXVN)