.jpg)
Họp Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang
Mở ra kỳ vọng mới
Chủ trương hợp nhất tỉnh không chỉ là quyết định hành chính đơn thuần, mà mang trong mình tầm nhìn chiến lược sâu rộng. Việc sáp nhập An Giang - Kiên Giang được kỳ vọng tạo ra thực thể hành chính mạnh hơn, quy mô lớn hơn về diện tích tự nhiên, dân số và tiềm lực kinh tế. Sự hợp nhất này hứa hẹn tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ An Giang và Kiên Giang, đến nay, 2 tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, tỉnh An Giang sau sắp xếp còn 54 ĐVHC cấp xã (44 xã, 10 phường); giảm 101 ĐVHC (giảm 65,15% so trước khi sắp xếp). Đối với Kiên Giang, sau khi sắp xếp có 48 ĐVHC cấp xã (41 xã, 4 phường và 3 đặc khu), giảm 66,4%. Tỉnh Kiên Giang sáp nhập với tỉnh An Giang, thành lập tỉnh An Giang mới, trung tâm hành chính đặt tại TP. Rạch Giá hiện nay. Tỉnh An Giang mới có diện tích gần 9.900km2, dân số trên 4,9 triệu người; có 102 xã, phường và đặc khu.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết: “Ngay sau khi chủ trương được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền của cả 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang nhanh chóng vào cuộc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Hàng loạt chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và văn bản hướng dẫn được ban hành, thể hiện sự đồng bộ và thống nhất trong hành động, nhằm đảm bảo quá trình hợp nhất diễn ra một cách bài bản, khoa học và hiệu quả”.
Tỉnh ủy An Giang và Kiên Giang tổ chức nhiều hội nghị quán triệt sâu rộng chủ trương của Trung ương đến toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Lãnh đạo 2 tỉnh bàn bạc, thống nhất nội dung và tiến độ hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp tỉnh. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Việc hợp nhất tỉnh giúp An Giang vươn mình mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, vì sự phát triển chung của tỉnh và vì lợi ích của Nhân dân”. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng khẳng định: “An Giang nhận thức rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh. Các cấp, ngành đang nỗ lực hết mình để rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng phương án sắp xếp bộ máy, giải quyết vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức”.
.jpg)
Lãnh đạo tỉnh An Giang và Kiên Giang trao đổi về sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất tỉnh. Ảnh: Thanh Tiến
Đoàn kết một lòng
Mới đây, Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh thống nhất thành lập 6 tổ giúp việc. Trong đó, Tổ 1 tham mưu xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh An Giang - Kiên Giang và sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tỉnh An Giang (mới). Tổ 2, tham mưu xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh An Giang; Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp tỉnh, xã) trước khi hợp nhất. Tổ 3, rà soát, thẩm định, thẩm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự tái cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy tỉnh (nhiệm kỳ 2025 - 2030); chuẩn bị thủ tục và tham mưu thực hiện quy trình nhân sự, đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự cấp ủy tỉnh.
Tổ 4, giúp Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh sau hợp nhất (để trình cấp ủy mới sau hợp nhất); chuẩn bị điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị... tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (sau hợp nhất) nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng thời, giúp Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh lãnh, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở theo thời gian Trung ương quy định. Tổ 5, tham mưu phương án xử lý vấn đề có liên quan, điều kiện bảo đảm phục vụ công tác khi hợp nhất tỉnh. Tổ 6, tham mưu công tác bảo đảm an ninh, trật tự khi hợp nhất tỉnh. Từng tổ giúp việc do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và Kiên Giang làm tổ trưởng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả 2 tỉnh. Các sở, ban, ngành đang tiến hành thu thập số liệu, phân tích, đối chiếu để có cái nhìn tổng quan, chi tiết về những điểm tương đồng, khác biệt, tiềm năng và thách thức khi hợp nhất. Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi sự công tâm, khách quan, thấu đáo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tạo điều kiện để họ phát huy năng lực, sở trường trong môi trường làm việc mới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sau hợp nhất cũng đang được khẩn trương triển khai. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính đang được tiến hành đồng bộ. Việc rà soát, đánh giá hiện trạng trụ sở làm việc, công trình hạ tầng, nguồn lực tài chính sẽ giúp xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của một tỉnh có quy mô lớn hơn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, tin tưởng rằng An Giang và Kiên Giang sẽ mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trên con đường phát triển, xây dựng tỉnh An Giang tương lai giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
THU THẢO