Nền kinh tế Iran chỉ mới đang trên đà phục hồi và hội nhập trở lại sau hàng thập kỷ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ và phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của nước này.
Mỹ sẽ chính thức khôi phục các lệnh trừng phạt Iran vào ngày 6-8 tới. Ảnh: KT
Trong một dấu hiệu rõ nhất cho thấy tác động của các lệnh trừng phạt sắp tới: đồng nội tệ của Iran đã giảm giá mạnh, mất gần 2/3 giá trị kể từ đầu năm tới nay. Chính phủ của Tổng thống Hassan Rohani đã nỗ lực ngăn chặn đà sụp giảm này khi hồi tháng 4 vừa qua quyết định thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định chính thức và tăng cường kiểm soát thị trường chợ đen.
Lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể gây đình trệ nền kinh tế, nhiều người dân Iran đã tích trữ đồng đôla nhằm tránh khủng hoảng, trong khi một số khác lại tìm cách rời khỏi đất nước. Trên các đường phố Iran cũng đã bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình nhằm bày tỏ lo ngại.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, đồng thời cho biết muốn gây sức ép tối đa với Iran thông qua các lệnh trừng phạt mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-8 tới. Nhiều công ty đa quốc gia từng tới Iran để tìm kiếm cơ hội đầu tư cách đây 3 năm như các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Pháp Peugeot, Renault hay Total, nay lại đang rục rịch rời khỏi nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Iran hiện nay không còn giống như Iran của 3 năm về trước khi đang dần lấy lại niềm tin của cộng đồng quốc tế thông qua việc tôn trọng các cam kết đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với cộng đồng quốc tế. Dù Iran có thể sớm nhìn thấy lượng dầu xuất khẩu của mình sụt giảm mạnh, với số thùng dầu bán ra giảm từ 2,4 triệu thùng mỗi ngày xuống còn 700.000 từ nay đến cuối năm và dù nhiều công ty lọc dầu lại đang tìm cách rút khỏi thị trường Iran, song các nước như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đều khẳng định họ đã quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Iran để có thể khuất phục trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Dù không phải là những tập đoàn hàng đầu thế giới, song nhiều doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua cũng đang cho thấy dường như họ rất tin tưởng vào sự bảo vệ của các chính phủ châu Âu. Niềm tin này càng được củng cố khi cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu, những bên đóng góp cho thành công của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hôm nay đều khẳng định quyết tâm bảo vệ văn kiện này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục chia sẻ lập trường chung trong vấn đề Iran nhằm đảm bảo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 sẽ được bảo vệ và thực thi đầy đủ. Chúng ta không chỉ bảo vệ một thỏa thuận đơn lẻ, mà là bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự uy nghiêm và uy tín của các thỏa thuận quốc tế. Đây là một vấn đề rất quan trọng và cùng với Trung Quốc, Liên minh châu Âu có lập trường rõ ràng về vấn đề này”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, điều khiến người dân Iran, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất hiện nay không phải là các lệnh trừng của Mỹ, mà là tại Iran không ai có thể biết chính xác những lệnh trừng phạt này sẽ như thế nào.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump có vẻ như đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền để tất cả thế giới tiếp tục cảm thấy bị đe dọa. Một số nguồn tin cho biết, 4 công ty dược của Đức đang tìm cách hoạt động tại Iran như một minh chứng cho thấy quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của chính phủ nước này. Một số ý kiến cho rằng, những cảnh báo của Mỹ đang khiến châu Âu tức giận hơn là lo sợ.
Và ngày ngày hôm nay, tức là chỉ 2 ngày trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt, công ty sản xuấy máy bay ATR liên doanh giữa Pháp và Italia vẫn tiếp tục thực thi thỏa thuận mua bán với Iran khi bàn giao 5 máy bay mới cho Hãng Hàng không Iran (Iran Air). Đây là một phần trong thỏa thuận mua mới 20 máy bay ATR mà Hãng Hàng không Iran đã ký từ hồi tháng 4/2017.
Theo VOV