Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tehran, Iran, ngày 1-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 24 giờ qua, đến sáng 19-3 (giờ Việt Nam), Italy là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu Âu, với tổng cộng 2.978 trường hợp. Đáng chú ý, riêng trong ngày 18-3, Itaty ghi nhận thêm 475 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục, thêm 4.207 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713 trường hợp.
Pháp cũng ghi nhận thêm 89 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 1.404 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 264 người và số bệnh nhân lên 9.134 người. Theo phóng viên TTXVN tại Paris, dịch bệnh lây lan nhanh đã buộc chiều 18-3, Hội đồng Bộ trưởng Pháp phải cân nhắc khả năng công bố "tình trạng y tế khẩn cấp”, qua đó cho phép Thủ tướng ban hành các biện pháp mạnh như giới hạn tự do đi lại, cấm hội họp, hay trưng dụng mọi tài sản và dịch vụ cần thiết để ngăn chặn thảm họa y tế.
Nga cũng có số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục, thêm 33 trường hợp, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 147 người. Tất cả các ca đều là người từ nước ngoài trở về, hầu hết từ châu Âu. Hiện Chính phủ Nga đã soạn thảo kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế và người dân, trong đó có quỹ chống khủng hoảng với số tiền 300 tỷ rubble (khoảng 3,7 tỷ USD), đồng thời phân bổ 11,8 tỷ rubble từ quỹ dự phòng để hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế xét nghiệm và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố tất cả các trường học trên cả nước, từ phổ thông đến đại học, sẽ đóng cửa từ ngày 20-3 do dịch COVID-19 diễn biến ngày càng xấu. Trước đó, Chính phủ Anh đã công bố một dự luật khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có đề xuất cho phép cảnh sát bắt giữ những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để đưa đi xét nghiệm. Dự luật Viruscorona khẩn cấp (Emergency Coronavirus Bill) sẽ trao cho nhà chức trách Anh các quyền hạn mới khi cần thiết, dựa trên khuyến nghị của giới chức y tế cấp cao.
Các quyết định trên được đưa ra sau khi Anh có 104 người tử vong vì COVID-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 2.626 người. Chính phủ Anh cho biết sẽ nâng gấp đôi số người được kiểm tra, xét nghiệm tại vùng England, nơi dịch diễn biến nghiêm trọng, lên 25.000 ca/ngày.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhấn mạnh tình hình hiện rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới (IfW) Gabriel Felbermayr nhận định nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng, đồng thời bày tỏ lo ngại cuộc suy thoái lần này sẽ là đáng lo ngại nhất từ trước đến nay.
Thành phố Mitterteich đã trở thành địa phương đầu tiên ở Đức áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, người dân vẫn được lái xe đi làm, mua đồ tạp hóa, đến các nhà thuốc hoặc nơi khám chữa bệnh, giao thông hàng hóa vẫn được duy trì, nhưng mọi hoạt động sẽ được kiểm soát chặt và người dân được khuyến cáo giảm giao tiếp xã hội xuống mức tối thiểu. Thành phố này có khoảng 7.000 dân thuộc bang Bayern. Tính đến chiều 18-3, toàn vùng đã có 47 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 25 ca ở thành phố Mitterteich. Còn trên toàn nước Đức, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là 12.327 người, số ca tử vong đang là 28.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết nước này sẽ áp đặt "tình trạng khẩn cấp" tại vùng thủ đô Kiev từ ngày 18-3 nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Tính đến nay, Ukraine đã xác nhận 14 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca tử vong. Trước đó, Ukraine cũng thông báo hạn chế tất cả hoạt động giao, bán hàng trên toàn quốc.
Cùng ngày, Chính phủ Nga thông báo tạm thời dừng một số chuyến bay tới Anh, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bắt đầu từ ngày 20-3. Thông báo này sẽ chỉ áp đặt với một số chuyến bay nhất định, trong khi một số hãng hàng không sẽ vẫn được phép đón các chuyến bay của Nga đi và đến từ London (Anh), New York (Mỹ) và Abu Dhabi (UEA).
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt quốc gia châu Âu tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh tay để giảm thiểu những thiệt hại do COVIDF-19 gây ra.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đề xuất gói biện pháp trị giá 212 tỷ zolty (gần 52 tỷ USD) nhằm giúp các công ty đang gặp khó khăn trả lương cho nhân viên và hoãn thanh toán phí an sinh xã hội, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng như y tế cùng nhiều biện pháp khác. Gói tài chính mới bổ sung thêm vào danh sách các biện pháp đang được Ngân hàng Trung ương Ba Lan triển khai với việc giảm lãi suất 50 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục 1% và đề xuất mua trái phiếu kho bạc trên quy mô lớn.
Ba Lan ghi nhận 5 ca tử vong trong tổng số 246 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 18-3.
Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ chi tới 450 triệu euro (hơn 492 triệu USD) nhằm bảo vệ 500.000 người lao động, đồng thời đưa ra các biện pháp tài chính linh động cho các doanh nghiệp chịu tác động từ việc tạm ngừng các hoạt động bán lẻ. Tính đến chiều 18-3, Hy Lạp ghi nhận 387 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 5 ca tử vong. Chính phủ nước này đã chỉ thị đóng cửa ít nhất trong vòng 10 ngày đối với tất cả các cửa hàng bán lẻ, ngoại trừ siêu thị, trạm xăng, hiệu thuốc kể từ 18-3.
Chính phủ của Thủ tướng Séc Andrej Babis cũng đang chuẩn bị chi 100 tỷ crown (4,05 tỷ USD) hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và chi thêm 900 tỷ crown (36,42 tỷ USD) thông qua hoạt động bảo lãnh cho vay nhằm giúp bù đắp một phần thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Tính đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 464 ca mắc bệnh COVID-19 và 30 ca tử vong.
Cũng trong ngày 18-3, Chính phủ Bỉ đã tổ chức các cuộc đàm phán với đại diện các hãng hàng không và ngành du lịch trong bối cảnh các hãng này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ để có thể duy trì hoạt động cầm chừng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong các đại diện tham gia đàm phán có hãng Brussels Airlines, sân bay Brussels, công ty điều hành du lịch TUI.
Theo PHAN ANH (TTXVN)