Kênh T5 là kênh đào dài nhất trong hệ thống kênh: T4, T5, T6 với 48km, nối từ kênh Vĩnh Tế, đoạn qua xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đến Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang).
Tháng 4/1997, tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), kênh T5 được chính thức khởi công. Kênh được đào trong 4 tháng, thực hiện sứ mệnh tháo chua, rửa phèn, chở phù sa phục vụ sản xuất. Tại kỳ họp thứ 14 năm 2009, HĐND tỉnh An Giang đã chính thức đặt tên “kênh Võ Văn Kiệt”.
Tứ giác Long Xuyên là vùng đất thuộc ĐBSCSL, trải dài trên diện tích gần 490.000ha, thuộc 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Hệ thống kênh đào qua vùng này là một câu chuyện mang tính lịch sử, giúp cư dân an tâm sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no. Mùa hạn kéo dài, kênh Võ Văn Kiệt có vai trò dẫn nước ngọt vào các cánh đồng. Còn mùa mưa lũ, kênh là tuyến thủy lộ huyết mạch đưa nước lũ thoát ra biển Tây.
Tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bên dòng kênh này, tỉnh An Giang xây dựng công viên văn hóa Võ Văn Kiệt. Tấm bia phía dưới bức tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở công viên văn hóa mang tên ông ghi rõ: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”.
Quyết sách hợp lòng dân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thay đổi vùng đất này, vốn ngày xưa chỉ sản xuất mỗi năm được 1 mùa lúa nước, giờ có thể nâng lên 2 vụ, 3 vụ.
Nhiều người dân đã về đây sinh sống, đường trải nhựa thẳng tắp, nhà cửa san sát. Đây là minh chứng hiệu quả nhất sau 27 năm kênh Võ Văn Kiệt đem lại sức sống mới cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
MỸ HẠNH