Kết quả điều tra vụ máy bay đáp nhầm đường băng tại Cam Ranh

02/05/2018 - 20:09

Liên quan đến vụ sự cố tàu bay mang số hiệu VN7344 của Vietnam Airlines từ Thành phố Hồ Chí Minh-Cam Ranh hạ cánh nhầm xuống đường cất hạ cánh số 02 chưa đưa vào khai thác, Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra sự cố vào tối nay (2-5).

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng ở sân bay Cam Ranh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng ở sân bay Cam Ranh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá về hậu quả của sự cố, theo lãnh đạo Cục Hàng không, tất cả hành khách đều an toàn và không gặp vấn đề về sức khỏe. Đối với tàu bay, động cơ số 1 bị hư hỏng các tầng cánh quạt, miệng hút do hút các vật ngoại lai (sỏi, đá, các tấm, mảnh tôn). Các phần chính của động cơ bao gồm máy nén, buồng đốt, turbine đang được soi và tiếp tục đánh giá; các cánh tà trước của cánh trái bị hư hỏng nhẹ. Vietnam Airlines đang tiếp tục kiểm tra và đánh giá hỏng hóc của máy bay (nếu có). Không có thiệt hại đối với hạ tầng và trang thiết bị của sân bay.

Theo kết luận sơ bộ của Tổ điều tra, nguyên nhân chính của sự cố là do sau khi thực hiện phương thức tiếp cận RNAV đầu 20 của đường cất hạ cánh, tàu bay đã đối chuẩn với đường cất hạ cánh số 1 đang sử dụng, tuy nhiên tổ lái lại xác định đây là đường lăn và xác định đường cất hạ cánh số 2 đang xây dựng là đường cất hạ cánh khai thác.

Bên cạnh đó, tổ lái cũng chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt (không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt).

Ngoài ra, Tổ điều tra cũng đánh giá, việc tổ lái đã quyết định tiếp tục hạ cánh sau khi máy bay tiếp đất là phù hợp và nhanh chóng điều khiển tàu bay dừng khẩn cấp, tránh chướng ngại vật và đưa máy bay dừng lại trên đường cất hạ cánh.

Ngoài ra, Tổ điều tra cũng đưa ra các yếu tố khách quan tác động dẫn đến sự cố, đó là mặc dù đường cất hạ cánh số 2 đã thể hiện không sử dụng (gạch chéo) trên sơ đồ sân bay, tuy nhiên các dấu sơn, kẻ trên đường cất hạ cánh đang xây dựng cơ bản hoàn thiện dễ gây nhầm lẫn cho tổ lái. Các hoạt động quan sát từ Đài kiểm soát không lưu chưa được thực hiện đầy đủ để cảnh báo, hỗ trợ kịp thời cho tổ lái trong giai đoạn tiến sát đến đầu đường cất hạ cánh và tiếp đất.

Trước đó, chuyến bay VN7344 khai thác bằng tàu bay Airbus A321, số hiệu VN613 khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đã hạ cánh lúc 14 giờ 53 phút ngày 29-3 xuống sân bay Cam Ranh trên đường cất hạ cánh mới, chưa đưa vào khai thác.

Sau khi hạ cánh, toàn bộ 203 hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay đều an toàn và được phục vụ, vận chuyển vào nhà ga sân bay Cam Ranh bình thường cùng hành lý và hàng hóa.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vietnam Airlines đã đình chỉ tổ bay, yêu cầu giải trình, thành lập ngay đoàn công tác vào Cam Ranh để đánh giá sự việc và kiểm tra tình trạng máy bay, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan đơn vị chức năng liên quan để điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng lập tức họp khẩn trên toàn hệ thống, rà soát toàn bộ hoạt động khai thác tại sân bay Cam Ranh cũng như tất cả các sân bay để tránh các sự việc tương tự.

Kết quả điều tra, bình giảng sự cố trong nội bộ Vietnam Airlines cho thấy, sự cố hạ cánh nhầm đường băng hôm 29-4 có một phần quan trọng do lỗi của tổ bay.

“Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ điều tra sự cố của Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan chức năng để làm rõ thêm vụ việc, xác định những nguyên nhân khác của các bên liên quan để có kết luận chính thức,” đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng gửi lời xin lỗi tới tất cả hành khách trên chuyến bay VN7344 ngày 29-4-2018 về sự cố đáng tiếc nói trên và nhấn mạnh rằng đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc với hãng.

“Sự cố không mong muốn lần này nhắc nhở Vietnam Airlines phải tiếp tục kiên trì mục tiêu, nguyên tắc mà hãng đặt ra an toàn bay là số 1 bởi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Minh bạch thông tin, cung cấp thông tin nhanh chóng, chuẩn xác nhất đến các cơ quan chức năng, đến các khách hàng và truyền thông cũng chính là một trong những phần việc quan trọng giúp hoạt động của đơn vị an toàn, bền vững hơn trong tương lai,” đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Cơ trưởng chuyến bay là một phi công quốc tịch Mỹ, làm việc cho Vietnam Airlines từ tháng 1-2018. Tàu bay Airbus A321 số hiệu VN613, mã nhà sản xuất 6748, được tiếp nhận ngày 26-8-2015, lần bảo dưỡng gần nhất ngày 9-3-2018.

Theo VIETNAM+