Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly, thời gian qua, các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cấp, ngành. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh. Các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã được triển khai đúng quy định, phù hợp điều kiện KT-XH địa phương. Các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH và giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện…
Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm có hoàn cảnh khó khăn
Kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2023 (đến ngày 31/1/2024), An Giang giải ngân được 309,86 tỷ đồng, đạt 79,32%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển, giải ngân 187,62 tỷ đồng, tỷ lệ 86,53% (cả nước đạt 73%); vốn sự nghiệp, giải ngân 112,34 tỷ đồng, tỷ lệ 64,64% (cả nước đạt 47%). Theo đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai các dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH tại huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Đối với dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, năm 2023, đã phê duyệt 77 mô hình giảm nghèo với kinh phí phê duyệt 52,67 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30,556 tỷ đồng, vốn dân đối ứng 22,11 tỷ đồng cho 1.258 hộ tham gia và giải ngân được 29,49 tỷ đồng, đạt 62,56%/tổng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện năm 2023.
Trao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Đối với dự án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo”, thực hiện từ năm 2023, với kinh phí phân bổ 21,27 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 19,34 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1,93 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 493 hộ nghèo và cận nghèo (cất mới 474 căn, sửa chữa 19 căn). Đã triển khai xây dựng 493 căn nhà, với kinh phí đã giải ngân 21,27 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn.
Đối với dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, năm 2023, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động được trên 284 tỷ đồng. Qua đó, đã triển khai cất mới 2.065 căn nhà; sửa chữa 164 căn nhà; thăm hỏi, tặng quà 368.823 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất 61.652 trường hợp... và các chương trình an sinh xã hội với kinh phí thực hiện trên 282 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo... nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển KT-XH.
Đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội. Qua đó, góp phần phát triển KT-XH giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 của tỉnh còn 2,07%, thấp hơn bình quân của cả nước (2,93%).
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương...
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghèo…
HỮU HUYNH