Khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”

14/02/2024 - 08:46

Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, hiện một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vấn đề được xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tuy giảm hình thức về số lượng, nhưng nội hàm mở rộng và bao trùm hơn, điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo đánh giá của Chính phủ, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thật sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thật sự vì lợi ích chung.

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế-xã hội trong nước vẫn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém và phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Doanh nghiệp và người dân mong muốn và đề nghị Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương khắc phục ngay tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”, quyết liệt triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu đã được Chính phủ nêu rõ, đó là: Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững.

Các cơ quan, đơn vị trong cả nước cần chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo, đề xuất và triển khai nhiều hơn nữa các quyết sách kịp thời để bứt phá phát triển nhanh và bền vững. Yêu cầu đặt ra cần tập trung khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, lơ là công việc của một bộ phận cán bộ, công chức bằng các giải pháp siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và tính chuyên nghiệp.

Nội dung quan trọng nữa là tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính; tập trung xây dựng, phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đổi mới toàn diện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, kiên quyết không ban hành mới và rà soát bãi bỏ các thủ tục rườm rà, gây chậm trễ, phiền hà.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Với tầm vóc đặc biệt quan trọng, Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần bắt tay ngay vào công việc, nhanh chóng bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống.

Các đơn vị chức năng cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và của doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định của Luật.

Cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực, giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc liên quan quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản… Quyết sách lớn đó sớm được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển.

Theo VĨNH KHANG (Nhân dân)