Khai mạc kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh An Giang

12/07/2022 - 06:39

 - Hôm nay (ngày 12/7), HĐND tỉnh An Giang khai mạc kỳ họp thứ 8 (giữa năm 2022), tập trung quyết sách nhiều nội dung quan trọng cho tỉnh về trước mắt lẫn lâu dài. Đồng thời, nhìn lại tổng quát điều đã làm được, chưa làm được trong 6 tháng qua, để chuẩn bị cho bước tiến mới.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh An Giang

Hàng loạt quyết sách mới cần xem xét

Kỳ họp sẽ thảo luận, xem xét cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật... trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh An Giang tại các kỳ họp trước.

Trong kỳ họp này, về kinh tế - ngân sách, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh An Giang xem xét, cho ý kiến về quy định trên địa bàn tỉnh về hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với khoản thu khấu trừ thuế giá trị gia tăng từ các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định mức thu, chế độ thu, miễn, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; điều chỉnh, bổ sung phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu kinh tế cửa khẩu An Giang...

Về văn hóa - xã hội, điển hình, như: Xem xét mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023; nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn sách của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nội dung chi và mức chi cho hoạt động tổ chức các kỳ thi, hội thi, cuộc thi trong lĩnh vực giáo dục; mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của các cơ sở giáo dục tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh.

Về pháp chế, xem xét ban hành quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực; mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng; mức thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký cư trú và điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh; mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước đến năm 2030.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh

Chất vấn những điều cử tri quan tâm

Thường trực HĐND tỉnh An Giang đã đề nghị thủ trưởng sở, ngành có liên quan trả lời những nội dung cử tri đặc biệt quan tâm, tại phiên chất vấn sáng 13/7. Cụ thể, Sở Y tế chịu trách nhiệm thông tin dự báo tình hình dịch COVID-19 và sốt xuất huyết, thông điệp tuyên truyền và giải pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới; thuận lợi, khó khăn, tiến độ tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. “Có luồng dư luận cho rằng tiêm vaccine phòng COVID-19 xong rồi sẽ giảm sút trí nhớ, thực hư như thế nào? Ngành chức năng phải tuyên truyền rõ, tăng cường vận động bà con tiêm vaccine để đạt hiệu quả cao nhất, tránh dịch bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều bà con phản ánh, tình trạng thiếu thuốc trong điều trị bệnh (nhất là người bệnh tham gia bảo hiểm y tế), phải hẹn nhiều lần mới có thuốc, hoặc cho toa thuốc ra ngoài mua. Chúng tôi đề nghị làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của lãnh đạo ngành chức năng” -  ông Lôi Cẩm Chương (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) nêu ý kiến.

Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh An Giang khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) và kỳ họp thứ 3, khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), đại biểu chất vấn việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, các tồn tại về môi trường tại dự án vùng nuôi thủy sản Lộc Kim Chi (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú). Sở Tài nguyên và Môi trường cam kết khắc phục trong quý I/2022, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tại kỳ họp lần này, cần giải trình rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, thông tin việc thực hiện chính sách về đất ở, đất sản xuất (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025); tiến độ đóng lấp bãi rác, đầu tư công trình xử lý rác trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là hàng loạt vấn đề nổi bật hiện nay, như: Cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả; vi phạm đối với hoạt động thủy sản, khai thác bằng hóa chất độc hại, thiết bị, ngư cụ có tính tận diệt; hành vi trốn thuế của một số doanh nghiệp; hoạt động “tín dụng đen” đang diễn biến phức tạp; đối tượng lạ gọi điện thoại “khủng bố” người dân…

Kỳ vọng rằng, sau kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh An Giang về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; xem xét ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển 6 tháng cuối năm 2022 và quyết định một số vấn đề quan trọng, kỳ họp sẽ tiếp tục có quyết sách cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Kỳ họp thứ 8 (giữa năm 2022) HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/7, tại Hội trường UBND tỉnh. Trong quá trình diễn ra kỳ họp, cử tri có phản ánh, kiến nghị hoặc trình bày nguyện vọng chính đáng, đề nghị liên lạc vào số điện thoại 02963.852.011.

GIA KHÁNH