Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
AA
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương dự lễ hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu dự lễ hội.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: Vùng đất Hải Phòng gắn liền với vị Nữ tướng anh hùng Lê Chân, người mở đất cõi An Biên - nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay.
Theo dân gian lưu truyền, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2, vào khoảng những năm 18 đến năm 20 sau Công nguyên, tại làng Vẻn, An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Bà là người có nhan sắc và giỏi võ nghệ, trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, nợ nước thù nhà chất cao, với tài năng, tâm huyết và ý chí của mình, bà đã đưa gia binh, họ hàng xuôi dòng ra miền cửa biển. Nhận thấy vùng đất phên dậu miền duyên hải phía Đông (nay là thành phố Hải Phòng) có vị trí chiến lược, nên bà quyết định chọn vùng đất này để lập ấp, chiêu mộ dân chúng, quai đê lấn biển lập lên các làng, xã... phát triển sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản; đồng thời rèn quân và luyện mã, chờ thời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Để nhớ về quê cũ, bà lấy tên quê gốc đặt cho vùng đất mới này là làng Vẻn - Trang An Biên.
Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược, vào mùa xuân năm 40, bà đã mang theo gia binh xin nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và giành nhiều chiến công vang dội. Bà đã được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền, lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về Trang An Biên để dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc. Bà vâng mệnh vua trở về làng cũ dựng đồn, xuất tiền chẩn cấp cho dân, dạy dân lao động sản xuất, biến vùng đất An Biên trở nên giàu có, nhân khang vật thịnh.
Khi quân Nam Hán quay lại đánh nước ta, Thánh Chân Công chúa nhận chiếu của Vua lập tức về kinh dốc sức giúp Trưng Vương đánh giặc. Tướng Lê Chân cùng các tướng sĩ chiến đấu với quân thù, song thế giặc mạnh, bà đưa quân rút về vùng núi Lạt Sơn (nay là huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lập căn cứ. Căn cứ vừa hình thành, lực lượng quá chênh lệch, quân Thánh Chân Công chúa thất trận, Nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống Giát Dâu tuẫn tiết.
Nhớ đến công đức của Bà, từ xa xưa nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại đền Nghè, đình An Biên…để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba, tâm phúc của Hai Bà Trưng. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 và tổ chức hằng năm vào ngày mùng 7, mùng 8, mùng 9 tháng 2 âm lịch.
Tự hào về lịch sử Hải Phòng từ ngàn xưa, vùng đất được khai thiên lập địa bởi Nữ tướng anh hùng, thành phố Hải Phòng ngày nay đã trở thành một thành phố Cảng, “Trung dũng - Quyết thắng” và đang chuyển mình vươn ra biển lớn. Cùng với sự phát triển của thành phố, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Lê Chân đã đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, xã hội thành phố giao. Quy mô kinh tế quận tăng nhanh và mở rộng, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng; liên tục thu ngân sách đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Quận Lê Chân đã và đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, là trung tâm y tế, giáo dục, thương mại của thành phố.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra từ ngày 16/3 (7/2 năm Giáp Thìn) đến ngày 18/3 (9/2 năm Giáp Thìn) với các hoạt động chính như: Lễ dâng hương kỷ niệm Ngày Thánh đản Nữ tướng Lê Chân, Lễ tế chính, Lễ rước, Lễ tế tạ và các hoạt động văn hóa, thể thao.
Một trong những hoạt động lễ hội nổi bật là Hội thi Hoa Thủy tiên. Hội thi diễn ra sau 80 năm gián đoạn, là hoạt động góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa, thỏa mãn ước nguyện của dân dân, là mong muốn dâng lên thánh mẫu Lê Chân những gì tinh túy nhất, tỏ lòng biết ơn vô hạn, tri ân công đức của Thánh Mẫu.
Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội góp phần tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đến với du khách trong và ngoài thành phố.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: