Khai mạc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam kết hợp kỷ niệm 10 năm lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2014 - 2024)

28/05/2024 - 20:09

 - Tối 28/5, tại Trung tâm Thương mại Vĩnh Đông (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), Ban Tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam tổ chức Lễ khai mạc “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024 - kỷ niệm 10 năm lễ hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2014-2024)”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Trưởng ban Tổ chức lễ hội; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến dự.

Tiết mục khai hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam năm 2024 - kỷ niệm 10 năm Lễ hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Phát biểu khai hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Trưởng ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Tư âm lịch. 

Đây là lễ hội phản ánh thực hành tín ngưỡng và hoạt động văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, mang tính cộng đồng cao. Đồng thời, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm...

Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp để người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước. Lễ hội Vía Bà thu hút thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, hành hương.

Với những giá trị tiêu biểu đó, năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh An Giang đã được Chính phủ chấp thuận, đệ trình tổ chức UNESCO hồ sơ ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hồ sơ dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 19 vào tháng 12/2024. Điều này, khẳng định giá trị, tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống tinh thần sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng không chỉ ở Nam Bộ, mà còn cả dân tộc Việt Nam và có sự gắn kết cộng đồng quốc tế

Sau 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bên cạnh việc nâng cao lòng tự hào, ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ bảo vệ tốt lễ hội, còn góp phần nâng tầm giá trị, vừa tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, vừa hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch từ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sự trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn là nhịp cầu gắn kết văn hóa giữa An Giang và các tỉnh thành trong cả nước góp phần quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh, vùng đất, con người An Giang đến với Nhân dân trong cả nước…

Trao Bằng khen UBND tỉnh An Giang cho các tập thể, cá nhân tiêu tiểu có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa  phi vật thể quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

Trao Giấy khen UBND TP. Châu Đốc cho các tập thể và cá nhân có thành tích nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá phi vật thể quốc qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trên địa bàn TP. Châu Đốc

Tặng hoa và Giấy khen cho cho các đơn vị đóng góp cho chương trình Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024 - kỷ niệm 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (2014-2024)

Biểu diễn dronelight chào mừng lễ khai hội

Các tiết mục chương trình văn nghệ khai hội chủ đề “Đất thiêng vạn lộc”

Trong khuôn khổ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024 có các nghi thức: Lễ Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống lăng miếu; lễ Tắm Bà; lễ Túc yết và xây chầu; lễ Chánh tế; lễ Hồi sắc. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: Biểu diễn dronelight, lễ hội đường phố, biểu diễn lân - sư - rồng, đua thuyền, biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, hát bội truyền thống, thể dục- thể thao… phục vụ người dân địa phương và du khách hành hương.

TRUNG HIẾU - TRỌNG TÍN