Khai thác cá nhộn nhịp trên sông

15/11/2024 - 07:28

 - Năm nào cũng vậy, con nước mùng 10/10 (âm lịch), đàn cá bơi đầy sông, bà con mang ngư cụ khai thác chộn rộn. Từ bao đời nay, hiện tượng cá ra dường như mặc định của tạo hóa, chưa ai giải thích được. Nhờ vậy, ngư dân có thu nhập rủng rỉnh từ con cá, con tôm theo con nước.

Kéo nèm sông sâu

Sáng sớm, cơn bấc đầu đông vừa chớm lạnh. Tại ngã ba sông Châu Đốc, ngư phủ lầm lũi đánh bắt cá mưu sinh theo nhịp đập tháng ngày. Từ tượng đài cá ba sa phóng tầm mắt nhìn ra sông, chúng tôi thấy thân phận ngư dân thật nhỏ nhoi trước sự bao la của dòng Hậu Giang đang cuộn chảy. Gặp ông Nguyễn Văn Hường (56 tuổi), người có hàng chục năm đưa đò, chúng tôi hỏi thăm mới biết bà con đang kéo nèm khai thác cá, tôm. Lần đầu tiên nghe đến loại ngư cụ “độc lạ” này, chúng tôi thuê chiếc xuồng tam bản chèo ra sông sâu, bắt đầu cuộc thủy trình theo chân ngư dân.

Mùa này, sự giao thoa giữa 2 dòng nước sông Hậu và sông Châu Đốc vẫn còn chảy mạnh, tạo thành hố nước xoáy cuồn cuộn. Chính nơi đây xuất hiện nhiều loài cá ngon để ngư dân có động lực, miệt mài khai thác mỗi ngày. Chiếc ghe chạy đến đầu vàm ngã ba sông, buông lưới thả xuống dòng nước, rồi nổ máy rê lừ đừ xuôi dòng. Đến đoạn gần bến phà Châu Giang cũ, ngư dân nhanh tay kéo mành lưới lên bắt cá. Nèm là loại lưới thái kết lại thành túi lưới khổng lồ, chiều ngang bằng chiếc ghe, chiều sâu hơn 20m. Ghe kéo nèm đến đâu, cá tôm dưới dòng sông sâu sẽ bị bắt dính đến đó. Loại ngư cụ này có mắc lưới thưa, chủ yếu bắt cá kết, cá trèn, cá sửu, cá lưỡi trâu, tôm…

Chiếc ghe kéo nèm khai thác cá trên sông

Ông Bảy Cảnh (59 tuổi) cho biết, ngư cụ nèm được truyền lại qua nhiều thế hệ. Hiện nay, rất ít hộ bám nghề hạ bạc này. Nghề kéo nèm rất nặng nề, phải cần ít nhất 3 nhân công lực lưỡng theo ghe thì hoạt động đánh cá mới hiệu quả. Nếu trúng “ổ cá”, mỗi ghe kiếm được tiền triệu. “Khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, tôi cùng các con chuẩn bị ngư cụ, dong ghe ra sông đánh cá. Mỗi ngày, tôi kéo dính hơn chục ký cá các loại. Dạo rày lũ rút, nguồn cá trên sông xuất hiện kha khá, tôi kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí” - ông Bảy Cảnh phấn khởi.

Nhớ thời vàng son nghề kéo nèm, tại ngã ba sông này có từ 5 - 10 ghe xuồng bắt cá tấp nập. Ngư dân mang lên chợ Châu Đốc cân lại cho tiểu thương. Tính đến nay, ông Bảy Cảnh đã hơn 20 năm trong nghề. Dòng sông sâu là nơi mưu sinh đối với gia đình ông bao đời nay. Chiếc ghe kéo nèm của ông Bảy Cảnh vẫn vững chãi trên miệng “thủy thần”. “Nơi nào nước càng xoáy thì cá bự càng nhiều. Nhiều khi kéo dính cá vài chục ký là chuyện bình thường” - ông Bảy Cảnh hồ hởi.   

Ủi dồn rượt đuổi cá linh

Trên chiếc xuồng tam bản, chúng tôi tiếp tục chèo rong ruổi theo dòng nước, bất ngờ gặp nhiều ghe nhỏ mang chiếc vợt khổng lồ vươn càng chạy ngược nước. Đến đoạn nước chảy, nghi có nhiều cá, họ buông lưới xuống sông sâu, kéo ga đẩy chiếc vợt bắt cá. Loại hình đánh bắt cá độc đáo này, ngư dân gọi là ủi dồn. Giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi tận mắt quan sát hành trình ủi dồn của bà con, mới thấy nghệ thuật đánh bắt cá của họ thật điêu luyện.

Loại ngư cụ này chỉ là chiếc vợt lưới rất to, không sử dụng xung điện, vậy mà họ xúc mỗi ngày hàng trăm ký cá linh, cá thiểu, cá lòng tong, cá mè vinh. Anh Vàng (46 tuổi, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu) vui vẻ khoe số cá dưới khoang vừa xúc được. Xúc cá bằng phương thức ủi dồn vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa thu hoạch “chiến lợi phẩm” đầy khoang.

Nói xong, anh Vàng cùng đứa con trai của mình tiếp tục dong ghe lên phía trên, buông vợt dài thượt xuống sông. Ghe chạy một đoạn ủi cá, khi đến nơi nước chảy mạnh, anh ra hiệu cho con trai bẻ lái vào gần bè nổi, từ từ kéo chiếc vợt “khủng” lên. Cuộn mành lưới lên ghe, những con cá linh nhảy lách chách trông rất mê mắt. Giơ chiếc thau nhôm, anh nhanh tay xúc mẻ cá đổ vào khoang rọng.

Như thông lệ, cơn bấc vừa chớm lạnh, cá từ đồng bơi về sông sâu, người dân quen gọi “mùa cá chạy”. Kinh nghiệm dân gian này được cha ông đúc kết từ thời xa xưa, đến nay vẫn vậy. Dù nước lũ lớn, nhỏ hay mạnh, yếu từng lúc khác nhau, nhưng đúng vào thời khắc giao mùa này sẽ xuất hiện cá linh bơi tung tăng trên sông. “Mỗi ngày, tôi xúc được hơn 300kg cá linh, thương lái thu mua cá rọng sống 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi ngót nghét 2 triệu đồng. Còn vài tuần nữa nước rút khô đồng, nguồn cá trên sông ít dần, tôi sẽ lên bờ làm ruộng”- anh Vàng khoe.

Ngày nào cũng vậy, mờ sáng, anh Vinh (43 tuổi) cùng vợ mình nổ máy dầu chạy lạch cạch nhả khói trên sông để ủi cá, kiếm thêm thu nhập cuối mùa nước lũ. Cái nghề ủi dồn này được ngư dân duy trì ngót trăm năm, không bị mai một. “Chúng tôi duy trì nghề “hạ bạc” này để con cháu mai sau còn biết tới. Nghề ủi dồn y như rượt đuổi cá trên sông vậy” - anh Vinh trần tình. Nói xong, anh giơ tay xúc rổ cá linh cho chúng tôi xem. Thời gian này, con cá linh to bằng ngón tay cái. Với “size” cá như vầy, ngư dân cân cho hộ làm mắm dự trữ bán trong dịp Tết Nguyên đán gần kề.

Hoạt động xúc cá trên sông của ngư dân tất bật, không một phút nghỉ ngơi. Theo kinh nghiệm của họ, nắng càng gắt, cá linh lội ở tầng mặt nước rất nhiều. Nắm bắt được quy luật này, họ khai thác cá từ mờ sáng đến khi nắng chiều. Nguồn cá linh được họ rọng đục nên rất tươi ngon. Tiểu thương chạy ghe đến thu gom về bán tại chợ. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, những chuyến ghe thương hồ xúm xít về khu vực ngã ba sông Châu Đốc thu mua cá linh. Giữa họ và ngư dân gặp nhau mua bán cá rôm rả trên đoạn sông sâu.

Cái nắng qua đầu người, chúng tôi dong xuồng trở vào bờ, khi những ngư dân tiếp tục miệt mài xúc cá trên sông. Mùa nước rút, mùa làm ăn, họ kiếm tiền triệu đều đặn mỗi ngày để trang trải cuộc sống gia đình.

LƯU MỸ