Khai thác thị trường trọng điểm trong CPTPP

22/04/2019 - 07:59

 - Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam (từ ngày 14-1-2019), nhiều mặt hàng thế mạnh của An Giang đang có cơ hội xâm nhập sâu rộng vào những thị trường lớn như: Nhật Bản, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Singapore... Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và có bước chuẩn bị tốt để tận dụng lợi thế lớn này.

Thị trường rộng mở

Là chuyên gia nghiên cứu sâu về các hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn gốc và nội dung chính của Hiệp định CPTPP hiện nay (còn gọi TPP-11) là Hiệp định TPP trước đây (TPP-12), cùng với một số điều khoản tạm hoãn và thay đổi cho cân bằng mới về lợi ích sau khi Mỹ không tham gia. “Dù vắng Mỹ nhưng CPTPP vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn cao, toàn diện hơn bất kỳ các FTA nào trước đây” - ông An nhấn mạnh.

Ngày 30-12-2018, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước: Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, New Zealand và Singapore. Ngày 12-11-2018, CPTPP đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Ông An cho biết, đối với 4 quốc gia chưa phê chuẩn CPTPP thì Chính phủ mới của Malaysia đang xem xét thêm; khả năng Tổng thống Peru có thể sớm phê chuẩn trực tiếp; CPTPP được ủng hộ cao tại Chile; chỉ có Brunei là chưa rõ thời gian phê chuẩn. Trong số này, chỉ có Peru là thị trường mới, còn Chile đã có FTA với Việt Nam, trong khi Malaysia và Brunei là thị trường nội khối ASEAN. Chỉ tính riêng 6 nước đã phê chuẩn CPTPP, thị trường tạo ra cho Việt Nam là rất lớn. Đối với An Giang, những mặt hàng thế mạnh của tỉnh như: gạo, cá tra, tôm càng xanh, rau, quả, hàng dệt may… có nhiều tiềm năng khai thác khi được hưởng thuế quan ưu đãi (phần lớn thuế suất nhập khẩu về 0%). “Khi CPTPP có hiệu lực, các nước cam kết xóa bỏ từ 78-95% dòng thuế đối với Việt Nam, còn Việt Nam cũng xóa bỏ 65,8% dòng thuế đối với các nước đã phê chuẩn. Đến cuối lộ trình (7, 10, 15 hoặc 20 năm), các nước xóa bỏ từ 97-100% dòng thuế đối với Việt Nam, còn Việt Nam cũng xóa bỏ 97,8% dòng thuế vào năm thứ 11 và 100% dòng thuế vào năm thứ 16. Đối với hạn ngạch thuế quan (TRQ), cũng có cam kết hỗ trợ với nhau” - ông An chia sẻ.

Nhiều cơ hội

Theo tính toán, tổng GDP của 11 nước tham gia CPTPP đang đóng góp 13,5% vào GDP toàn cầu. Trong đó, có 4 quốc gia đạt GDP trên 1.000 tỷ USD là: Nhật Bản (GDP 4.872 tỷ USD), Canada (1.653 tỷ USD), Australia (1.323 tỷ USD), Mexico (1.150 tỷ USD). Đối với Singapore, dù dân số chỉ có 5,6 triệu người nhưng GDP đạt 324 tỷ USD; New Zealand đạt GDP 206 tỷ USD/4,8 triệu dân. Cả 6 nước đã phê chuẩn CPTPP đều là những quốc gia có mức sống cao, đòi hỏi hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn khắt khe nhưng giá trị hàng hóa cũng cao hơn. Thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật được xem là cơ hội để các doanh nghiệp, người sản xuất ở một tỉnh nông nghiệp như An Giang thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm đáp ứng quy định thống nhất trong CPTPP.

Ông Phạm Bình An cho biết, trong số các nước tham gia CPTPP thì Nhật Bản là thị trường cần được quan tâm nhất khi năm 2018, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường khó tính này đạt 18,9 tỷ USD, tăng 11,9% so năm 2017. Trong đó, hàng thủy sản và nông sản là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và đối tác có nhu cầu nhập khẩu lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác thị trường tốt (xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản năm 2018 đạt 1,39 tỷ USD, nông sản 0,39 tỷ USD). Đây là vấn đề doanh nghiệp An Giang cần nghiên cứu, khai thác bởi tỉnh có thế mạnh về thủy sản và nông sản.

Tương tự, đối với Australia, cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng dệt may và giày dép, dầu thô, nông sản và thủy sản. Năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Australia đạt 4 tỷ USD, tăng đến 21% so năm 2017. Dệt may, nông sản, thủy sản là những mặt hàng mà Canada có nhu cầu lớn. Trong khi đó, Singapore muốn tăng nhập khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, còn Mexico và New Zealand có nhu cầu nhập khẩu lớn nông sản. “An Giang có 2 mũi nhọn kinh tế là nông nghiệp và du lịch. Trong đó, nông nghiệp có 4 sản phẩm chiến lược là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu. Xuất khẩu hàng hóa của An Giang đạt tăng trưởng khá, xếp hạng 36 cả nước năm 2018. Nếu có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa (chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn về dư lượng hóa chất, dư lượng kháng sinh, vi sinh cùng các tiêu chuẩn chất lượng khác), tìm hiểu kỹ về thủ tục xuất khẩu, tiêu chuẩn về phát triển bền vững, tiêu chuẩn về lao động… thì các sản phẩm của An Giang sẽ có cơ hội lớn xâm nhập vào thị trường CPTPP” - ông An nhấn mạnh.

“Bên cạnh cơ hội khi tham gia CPTPP thì các doanh nghiệp sẽ vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn. UBND tỉnh cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp An Giang hội nhập kinh tế quốc tế, tiến vào sân chơi toàn cầu. Mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu rõ thị trường và cải thiện năng lực cạnh tranh sản phẩm trong sân chơi CPTPP” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng lưu ý

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN