Lễ cắt băng khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Sáng 19-6, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra lễ Khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bắt đầu từ hôm nay, Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách đến tham quan, tìm hiểu.
Phát biểu tại Lễ khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đây là sự kiện ý nghĩa diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; 95 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới xuất hiện, báo chí đã thể hiện vai trò đặc biệt trong đời sống, tinh thần của người dân; tỏ rõ vai trò của mình trong lịch sử dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, lớp lớp các thế hệ nhà báo đã để lại xương máu của mình trên khắp các vùng miền đất nước, nhiều người làm báo đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Mồ hôi và máu của các thế hệ nhà báo vẫn còn đó, trong từng trang báo, từng thước phim tư liệu để lại. Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc góp hết sức mình trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước và hội nhập”.
Đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu tại Lễ khai trương.
Từ năm 1995, vào dịp kỷ niệm 45 ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã bày tỏ mong muốn có một bảo tàng Báo chí nhằm lưu giữ, khắc ghi, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Gian trưng bày về Thông tấn xã Việt Nam được nhiều khách tham quan quan tâm.
Đến ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cán bộ của Bảo tàng đã có hơn 1.000 ngày nỗ lực với quyết tâm mạnh mẽ để xây dựng nên Bảo tàng như hiện nay.
Mỗi hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đều là một câu chuyện lịch sử với cách trưng bày sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Trong 3 năm qua, ngay từ khi ra đời, Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu không gian trưng bày, đáp ứng nguyện vọng bao lâu nay của nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như đông đảo các nhà báo và công chúng trên cả nước. Tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật, tư liệu đại diện cho nền báo chí hoà bình, nhân văn và tiến bộ, truyền tải sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp từ quá khứ, kêu gọi nhắc nhớ để những người làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết.
Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được khoảng 20.000 hiện vật, tư liệu, đưa vào khai thác, trưng bày giới thiệu. Cụ thể hiện có 700 tư liệu là hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là những hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam.
Nhiều loại hình trưng bày đã được áp dụng hiệu quả, hấp dẫn khách tham quan .
Hệ thống máy tra cứu giúp khách tham quan dễ dàng tra cứu tư liệu.
Nội dung trưng bày tại Bảo tàng gồm 5 phần, về Báo chí Việt Nam trong các giai đoạn: Giai đoạn từ 1865- 1925; giai đoạn từ 1925- 1945; giai đoạn từ 1945- 1954; giai đoạn từ 1954- 1975 và giai đoạn từ 1975 đến nay.
Các không gian trưng bày được bố trí khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau như: Trưng bày bằng giải pháp đồ hoạ trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh- truyền hình- số hoá ... để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với Bảo tàng.
Theo đó, ngoài trưng bày trên vách bằng đồ hoạ các tư liệu; Bảo tàng còn trưng bày trên tủ như bình thường với hệ thống màn hình chiếu phim. Bảo tàng đã xây dựng 26 bộ phim về tiến trình lịch sử báo chí, các nhà báo cách mạng… Đặc biệt hệ thống màn hình tra cứu số hoá trải dài tại không gian trưng bày; có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc…
“Với quyết tâm trưng bày chủ yếu hiện vật gốc, chúng tôi đã có khoảng 90% là bản gốc. Tuy nhiên, các hiện vật phục chế chủ yếu là ở giai đoạn 1925-1945, vì giai đoạn này việc lưu giữ lại một tờ báo cách mạng là rất khó khăn. Bên cạnh đó, Bảo tàng Báo chí ra đời muộn, nên nhiều tư liệu gốc đã được các bảo tàng lớn sưu tầm được, vì vậy chúng tôi chỉ có cách xin bản gốc về để phục chế lại”, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ.
Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)