Long Hòa là xã có nhiều hộ bị thiệt hại trên đoạn sông này. Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa Lê Trung Trinh cho biết, toàn xã có 34 hộ nuôi, với 124 bè và lồng (vèo). Năm 2016, trên địa bàn xã đã xảy ra hiện tượng cá chết đột ngột với tình trạng tương tự, địa phương đã hỗ trợ các hộ nuôi di dời sang khu vực tỉnh Đồng Tháp để tiếp tục nuôi. Sau 4 năm, các hộ này thấy nguồn nước ở vị trí cũ ổn định nên đã dời trở về, dù đã có khuyến cáo của ngành chức năng và địa phương không nên nuôi lại nơi cũ. Từ ngày 5 đến 20-2, xảy ra 3 đợt cá nuôi trong lồng bè chết hàng loạt. Kết quả kiểm tra chất lượng nguồn nước và thu mẫu xác cá (qua 2 đợt cá chết) xác định nguyên nhân ban đầu do mực nước xuống thấp, dòng chảy yếu, gây thiếu ô-xy cục bộ. Để cứu số lượng bè nuôi cá còn lại, UBND huyện Phú Tân chỉ đạo UBND xã và ngành chuyên môn hướng dẫn một số biện pháp tăng cường cung cấp ô-xy cho cá, bố trí máy đạp nước và tiếp tục vận động các hộ nuôi cá di dời lồng bè. Kết luận cuối cùng sẽ được ngành chức năng tỉnh công bố trước dân trong thời gian sớm nhất kết hợp công tác tuyên truyền, vận động di dời lồng bè đến nơi khác.
Người dân xã Long Hòa thu gom cá chết từ lồng bè (ngày 19-2)
Theo lãnh đạo xã Long Hòa, việc vận động bà con di dời bè hiện đang gặp khó khăn, do các hộ nuôi truyền thống lâu năm, dời về phía sông Tiền tỉnh Đồng Tháp tốn chi phí rất cao, trong khi người dân không đủ khả năng (phí di dời khoảng 16-17 triệu đồng và thuê bãi nuôi từ 30-40 triệu đồng). Đại diện xã Phú Lâm cùng chung ý kiến cho rằng, khó khăn khi thực hiện di dời là chi phí cao, khó tìm được bến bãi phù hợp.
Chủ trì cuộc họp với các xã: Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh, thị trấn Chợ Vàm và các ngành chuyên môn huyện, tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí yêu cầu, các địa phương nuôi cá trên khu vực sông Cái Vừng khẩn trương công bố cho người dân biết rõ nguyên nhân cá chết trên cơ sở khoa học và vận động các hộ nuôi di dời về các vùng an toàn theo quy hoạch. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý trên địa bàn không cho phát sinh thêm lồng bè mới, đối với các hộ không đồng ý di dời phải cam kết tự chịu trách nhiệm. “Dự báo trong những ngày tới, mực nước tiếp tục xuống thấp, tình trạng cá chết sẽ diễn ra, do đó phải khẩn trương di dời các bè nuôi đến nơi ổn định càng sớm càng tốt, định hướng đến khu vực Tân Trung và Phú An” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí đề nghị.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng có đồng quan điểm: trước đó, ngành chuyên môn của tỉnh đã có khuyến cáo không tiếp tục nuôi cá ở khu vực sông Cái Vừng, thiệt hại lần này do người dân tự ý tái nuôi nên không có chủ trương để hỗ trợ. Hiện nay, mùa khô hạn đang đến, dự báo mực nước tiếp tục xuống thấp, nguy cơ cá chết vẫn hiện hữu trước mắt. Về lâu dài, cần quản lý vùng nuôi và cách nuôi. Trước mắt, ngành thủy sản khuyến cáo chủ hộ nuôi cá tự di dời, thực hiện biện pháp tại chỗ giảm bớt mật độ nuôi, giãn khoảng cách nuôi bè. Cán bộ chuyên môn của tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, tuyên truyền để bà con sớm di dời, ổn định sản xuất; nếu chậm trễ, trong 1 tháng nữa, nguồn nước ở mức kiệt nhất sẽ ảnh hưởng nặng.
Đối với những hộ không có khả năng di dời (quy mô nhỏ, số lượng ít) thì khuyến khích chuyển đổi sang nghề khác. Đây cũng là tinh thần được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chỉ đạo UBND huyện Phú Tân cùng các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện. Cùng với vận động các hộ dân di dời lồng bè đến nơi có điều kiện phù hợp, địa phương cần tiếp tục theo dõi, thực hiện các giải pháp về môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát và thông tin cho địa phương về tình hình xả thải của các nguồn thải ở khu vực sông Cái Vừng; thực hiện công tác quản lý môi trường tại các khu vực sắp xếp lồng bè neo đậu mới.
Khu vực sông Cái Vừng, địa phận huyện Phú Tân có tổng cộng 56 hộ nuôi cá bè, tập trung tại xã Long Hòa và Phú Lâm. Qua thống kê, đến nay có 19 hộ nuôi tại xã Long Hòa bị thiệt hại do cá chết, gồm: 62 bè và 23 vèo, tổng sản lượng hơn 41 tấn cá các loại như: cá lăng, mè dinh, cá he… Hiện đã di dời 7 hộ với 46 bè/vèo (xã Long Hòa 5 hộ, xã Phú Lâm 2 hộ) đến địa điểm khác.
|
HẠNH ĐẶNG