Khẩn trương khắc phục sạt lở ở Mỹ Thạnh

21/03/2018 - 06:56

 - UBND TP. Long Xuyên (An Giang) đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát điểm sạt lở (SL) tại khu vực Bờ Sáng (thuộc tổ 13, khóm Thới Thạnh) và khu vực chợ Cái Sắn (đoạn từ cầu Năm Sú đến cầu 6 Bá, phường Mỹ Thạnh). Khu vực SL ngày càng lan rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo Chủ tịch UBND phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) Trần Thị Thủy Trân, lúc 7 giờ ngày 20-1, tại tổ 13, khóm Thới Thạnh đã xảy ra vụ SL bờ kênh nghiêm trọng với chiều dài khoảng 10m, rộng 3m. Đến 11 giờ cùng ngày, chiều dài đoạn SL tiếp tục tăng thêm gần 32m.

Qua khảo sát thực tế, đoạn đường khoảng 70m tiếp giáp có dấu hiệu tiếp tục SL, nếu không được khắc phục kịp thời. Khu vực Bờ Sáng bị SL ăn sâu hơn phân nửa mặt đường.

Vụ việc không gây thiệt hại về tài sản, do đoạn đường này không có nhà trên sông. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ, 13 nhân khẩu sống trên bờ, trong khu vực SL.

Mặt khác, đoạn SL và có nguy cơ SL khóm Thới Thạnh trải dài khoảng 1.000m, liên quan đến 141 hộ dân ở 4 tổ. Cán bộ UBND phường Mỹ Thạnh dẫn chúng tôi đến hiện trường, chỉ thêm những điểm răn nứt, có nguy cơ SL cao.

Tích cực gia cố điểm sạt lở

“Trước đây, thấy đường có vết nứt, người dân tự bỏ tiền rải đá, giặm vá đoạn trước nhà mình. Đến khoảng 11-12 giờ ngày 26 Tết, vết nứt lan rộng hơn. Chỉ 1 giờ đồng hồ, con đường bị SL gần hết. Rất may, vụ việc xảy ra ban ngày, chứ nếu trong đêm, hậu quả sẽ khó lường” - ông Nguyễn Hữu Trí kể lại.

Phân tích nguyên nhân SL, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợp khẳng định: “Kể từ khi nhà máy xay xát lúa gạo bên phía bờ Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) hoạt động, ghe tàu thường xuyên lưu thông. Ngoài việc chịu ảnh hưởng của bụi bặm, tiếng ồn, người dân chúng tôi còn nhận thấy nguy cơ SL rất lớn. Ghe, sà lan đậu nhiều trên sông, các phương tiện khác muốn đi qua phải áp sát vào bờ bên này, đất cát nào chịu nổi!

Không ngờ, SL diễn ra nhanh chóng. Trước và sau Tết đã 2 lần SL, khiến con đường hầu như “biến mất”. Thấy bà con đi lại khó khăn, gia đình tôi dỡ bỏ hàng rào trước nhà, tạo điều kiện để họ lưu thông. Hiện, chúng tôi vẫn rất lo lắng, không biết sự việc sẽ còn diễn biến thế nào”.

Ông Nguyễn Thành Công đề nghị: “Phương án gia cố, khắc phục đoạn SL chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn địa phương có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng SL để người dân an tâm sinh sống; cho lắp biển cấm quay đầu. Mặt khác, phía nhà máy phải quan tâm sức khỏe và điều kiện sinh sống của chúng tôi, tìm cách đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống SL do phương tiện thủy gây ra”.

Trong khi đó, điểm SL tại khu vực chợ Cái Sắn (tổ 13-14, khóm Hòa Thạnh) bắt đầu xuất hiện các vết nứt đất, SL từ tháng 2-2013, chiều dài khoảng 20m. Đến nay, đoạn SL, răn nứt, sụp, lún kéo dài khoảng 200m, có nguy cơ ảnh hưởng đến 39 hộ dân đang kinh doanh và sinh sống tại khu vực. 

Ngành chức năng nhận định, nguyên nhân SL trên đoạn sông chủ yếu do lòng sông hẹp, lưu lượng nước đổ ra biển lớn đã gây xâm thực đường bờ và đáy sông. Đồng thời, đây là tuyến đường thủy huyết mạch nối khu vực sông Hậu và Rạch Giá (Kiên Giang), mật độ phương tiện giao thông thủy qua tuyến sông rất cao.

Các phương tiện thường xuyên ra vào để lên xuống hàng hóa từ các nhà máy phía bờ quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Các tác động do sóng và lực đẩy từ chân vịt của phương tiện gây xâm thực đường bờ, tạo hiện tượng “hàm ếch”, dẫn đến SL.

Để khắc phục các điểm SL, UBND TP. Long Xuyên đã tạm thời gia cố bằng cọc sắt, đổ đá 4x6, chờ hướng dẫn của ngành chuyên môn cấp trên; đồng thời tạo đường đi cho Nhân dân qua lại dễ dàng. Riêng đối với 39 hộ dân nằm trong điểm SL tại khu vực chợ Cái Sắn, địa phương giao phường Mỹ Thạnh tạo quỹ đất và có phương án di dời các hộ dân về nơi tái định cư.

“Để hỗ trợ địa phương khắc phục SL, ổn định cuộc sống người dân, UBND phường Mỹ Thạnh đã kiến nghị UBND TP. Long Xuyên sớm có phương án khắc phục SL. Đồng thời, kiến nghị thành phố trao đổi với lãnh đạo quận Thốt Nốt về việc nhà máy Quang Phát thường xuyên neo đậu, quay đầu ghe có tải trọng lớn, ảnh hưởng đến dòng chảy và áp lực nước tại khu vực SL” - bà Trần Thị Thủy Trân thông tin thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh, thành phố đã khảo sát, xây dựng phương án khắc phục SL ở khóm Thới Thạnh. Tổng chiều dài các đoạn SL phải khắc phục là 42m, tổng kinh phí hơn 950 triệu đồng. Do ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, nên đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ kinh phí khắc phục các đoạn SL nêu trên.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH