Khẩn trương kiểm soát các ổ dịch ở huyện Tịnh Biên

28/09/2021 - 04:27

 - Khi xuất hiện chùm ca bệnh trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã truy vết, dập dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong khu vực phong tỏa. Đồng thời, yêu cầu các ngành, địa phương nhanh chóng phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế.

Khẩn trương dập dịch

Từ ngày 14-9 đến 22-9, huyện Tịnh Biên xuất hiện 3 chùm ca bệnh với tổng số 23 F0, tại: tổ 3, khóm Trà Sư (thị trấn Nhà Bàng); tổ 16, ấp Phú Nhứt (xã An Phú); ấp Tây Hưng (xã Nhơn Hưng). Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên Phan Văn Cường nhận định: “Các chùm ca bệnh này đang diễn biến phức tạp nên cần đẩy mạnh công tác truy vết, tầm soát và “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Với tần suất test nhanh kháng nguyên 2 ngày/lần kết hợp xét nghiệm PCR như hiện nay, chúng tôi có thể phát hiện sớm trường hợp lây nhiễm.

Tuy nhiên, các địa phương có khu vực phong tỏa cần quản lý việc đi lại của người dân, phải đảm bảo “chặt ngoài, chặt trong” để khống chế lây nhiễm trong cộng đồng. Phong tỏa là để sớm dập dịch, nên cần “bóc tách” hết F0 trong thời gian này, nhằm trả lại cuộc sống bình thường mới cho người dân. Trong thời gian phong tỏa, cần đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội để người dân yên tâm đồng hành cùng chính quyền địa phương chống dịch”.

Tịnh Biên nỗ lực dập dịch trong khu vực phong tỏa 

Hiện nay, xã Nhơn Hưng với khu vực phong tỏa tại ấp Tây Hưng đang là “vùng đỏ” về dịch bệnh, nên địa phương tập trung nguồn lực sớm dập dịch triệt để. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hưng Phạm Văn Ngon thông tin: “Chúng tôi đã huy động lực lượng truy vết của xã để tham gia tầm soát, “bóc tách” F0 tại khu vực này. Công tác truy vết, tầm soát F0 vẫn đang được khẩn trương thực hiện, song song với việc hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm. Những ngày qua, địa phương kiểm soát chặt việc giãn cách trong khu vực phong tỏa, đảm bảo “người cách ly người”, “nhà cách ly nhà” nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng”.

Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch

Trước yêu cầu thực tế, Huyện ủy, UBND huyện Tịnh Biên đề nghị khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 xã, thị trấn. Sau khi kiện toàn, phải tích cực hoạt động theo vai trò, vị trí, nhiệm vụ một cách thực chất, đảm bảo đúng yêu cầu của tỉnh, kịp thời triển khai những kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với từng thời điểm. Khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 làm tốt nhiệm vụ sẽ mang đến niềm tin cho người dân, giúp các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, huyện Tịnh Biên đang tập trung thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch COVID-19. Trong đó, người dân cần phải biết, phải hiểu, phải đồng tình, phải hưởng ứng, phải chấp hành, phải làm theo chủ trương, biện pháp chống dịch của các cấp, ngành. Đồng thời, những “chiến sĩ” cũng phải được sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, tiếp cận y tế và nhu cầu cần thiết khác. Khi “chiến sĩ” có đủ ý thức và kiến thức chống dịch thì “pháo đài” mới vững chắc trước “giặc dịch”.

Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên Phan Văn Cường phân tích: “Muốn chống dịch thành công thì phải lấy nền tảng từ cơ sở, đó chính là ý thức của người dân. Nếu tất cả chúng ta đều nắm và thực hiện tốt thông điệp “5K” thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất thấp, mọi người an toàn hơn trước dịch bệnh. Rõ ràng, muốn chữa lành 1 ca F0 sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Tuy nhiên, quá trình lây lan của virus lại rất nhanh, rất dễ dàng, nếu chúng ta lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. Vì vậy, cần cụ thể quan điểm xem phòng dịch là chính, để bảo vệ sức khỏe của người dân hiệu quả nhất”.

Để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, ngoài biện pháp tuyên truyền, địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, việc duy trì chốt kiểm soát cố định, lưu động được các xã, thị trấn thực hiện tốt, đảm bảo hạn chế việc người dân ra đường khi không cần thiết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

“Hiện nay, chúng tôi yêu cầu các xã, thị trấn cần chuẩn bị tốt nhân lực, cơ sở vật chất cho hoạt động y tế ở cơ sở. Khẩn trương thành lập Trạm Y tế lưu động để hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Tổ y tế cộng đồng trong việc quản lý, phát hiện sớm trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh, kịp thời thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch xã, thị trấn. Khi làm tốt biện pháp này sẽ hạn chế lây lan và dập dịch hiệu quả nếu có ca bệnh phát sinh trong cộng đồng” - ông Phan Văn Cường khẳng định.

THANH TIẾN