Khẩn trương xây dựng mạng lưới Trạm Y tế lưu động

07/10/2021 - 06:27

 - Nhằm tăng cường khả năng phản ứng nhanh trước diễn biến của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã khẩn trương thành lập các Trạm y tế lưu động. Đây là cách làm phù hợp thực tiễn, giúp người dân tiếp cận sớm các dịch vụ y tế, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Châu Phú đã “phủ” các Trạm Y tế lưu động trên toàn huyện

Khẩn trương “phủ” diện rộng

Ngay khi có chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện cùng các địa phương chủ động phương án vận dụng nguồn nhân lực, vật tư y tế, phương tiện… để thành lập các Trạm Y tế lưu động. 

 Theo đó, Ban Chỉ đạo huyện Châu Phú xác định Trạm Y tế lưu động là “cánh tay nối dài” của các cơ sở y tế, giúp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng. Đồng thời, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Bên cạnh đó, Trạm Y tế lưu động cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.

Đến nay, huyện Châu Phú đã xây dựng 13 Trạm Y tế lưu động của các xã, thị trấn với 71 người tham gia, trung bình mỗi trạm từ 5-7 thành viên. Bước đầu, Trạm Y tế lưu động đã phát huy vai trò tích cực trong việc quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; tư vấn và thường xuyên theo dõi sức khỏe, hỗ trợ người được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 Đồng thời, tổ chức test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn; lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR đối với các trường hợp nghi nhiễm COVID-19; quản lý danh sách người trên địa bàn cần tiêm vaccine phòng COVID-19. Trạm Y tế lưu động còn là một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tiêm chủng vacine phòng COVID-19, theo điều phối của Ban Chỉ đạo huyện.

Thực tế, việc “phủ” các Trạm Y tế lưu động trên toàn huyện Châu Phú là nỗ lực của Ban Chỉ đạo huyện, Trung tâm Y tế và các địa phương. Trong bối cảnh nguồn nhân lực, cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng các Trạm Y tế lưu động vẫn đưa vào vận hành hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch của địa phương, mang đến sự an tâm cho người dân. Mục tiêu hiện nay của Ban Chỉ đạo huyện Châu Phú là tiếp tục nâng chất, hỗ trợ thêm cơ sở vật chất, vật tư y tế để các Trạm Y tế lưu động phát huy hiệu quả hoạt động cao nhất trong thời gian tới.

Đảm bảo hiệu quả hoạt động

Thực tế, việc thành lập các Trạm Y tế lưu động đòi hỏi nhiều cố gắng của địa phương. Tuy nhiên, để tận dụng, phát huy hiệu quả vai trò của các Trạm Y tế lưu động đòi hỏi sự quan tâm đúng mức, đảm bảo cơ sở vật chật, vật tư y tế theo yêu cầu của ngành chuyên môn.

Tại huyện Tịnh Biên, việc triển khai các Trạm Y tế lưu động được các xã, thị trấn tích cực thực hiện. Ban Chỉ đạo huyện, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo địa phương đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực để Trạm Y tế lưu động sớm đi vào hoạt động.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Cứng thông tin, các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn huyện thực hiện theo Công văn 3082/SYT-KHTC của Sở Y tế. Tùy theo điều kiện, địa phương sẽ chọn nơi phù hợp, như: nhà văn hóa, tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, xây dựng nhà dã chiến, nhà di động… để Trạm Y tế lưu động làm địa điểm hoạt động. Cần đảm bảo tối thiểu nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, phải có đủ khu vệ sinh, có nước sạch, điện, nơi thu gom rác thải y tế và có chỗ nghỉ ngơi cho nhân viên y tế.

Mục tiêu của Trạm Y tế lưu động là đảm bảo phục vụ mỗi cụm dân cư, với khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà; khu dân cư có thể nằm ở các địa phương khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính. Đặc biệt, các Trạm Y tế lưu động của địa phương cần cố gắng trang bị 1 xe cứu thương chuyên dụng có gắn bình ô-xy, có xe đẩy hoặc băng ca để vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp không thể sắp xếp được xe cứu thương, Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên yêu cầu các địa phương cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn, để kịp thời đưa các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế nhanh nhất.

Việc đưa các Trạm Y tế lưu động vào phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ nâng cao khả năng phản ứng nhanh của xã, phường, thị trấn đối với các tình huống dịch bệnh phát sinh. Do đó, ngoài việc khẩn trương “phủ” diện rộng, ngành chuyên môn và các địa phương cần quan tâm đến khả năng hoạt động thực chất, trang bị phương tiện, vật tư y tế cần thiết để phát huy đúng, hiệu quả của các Trạm Y tế lưu động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích