Khẳng định công lao đồng chí Vũ Hồng Đức

16/07/2020 - 05:11

 - Với vai trò lãnh đạo khởi nghĩa và giành chính quyền vùng Bảy Núi trong Cách mạng Tháng Tám (1945), lãnh đạo quân - dân An Giang lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975, Vũ Hồng Đức (1914-1994), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Châu Hà, xứng đáng được vinh danh, xây dựng thành tấm gương sáng để các thế hệ mai sau học tập.

Sớm giác ngộ cách mạng

Đầu tháng 6 vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử An Giang đã phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tổ chức hội thảo khoa học “Nhân vật lịch sử Vũ Hồng Đức (1914-1994)- Bí thư Tỉnh ủy Châu Hà thời kỳ chống Mỹ”. Đây là người có công rất lớn trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là ở chiến trường vùng Bảy Núi, nhưng tư liệu về ông vẫn còn ít, khiêm tốn, dễ bị mai một theo thời gian.

“Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn đã ghi chép công lao, thành tích của đồng chí Vũ Hồng Đức - nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn đầu tiên và nhiều giai đoạn sau này nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ, cần phải được sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi thêm để xứng đáng với thành tích của ông” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Theo ban tổ chức hội thảo, có tổng cộng 47 bài tham luận của 45 tác giả và đồng tác giả gửi về tham gia, cho thấy sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu đối với nhân vật lịch sử này. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất rằng, ông Vũ Hồng Đức (Mười Đức) tên thật là Võ Văn Đáo (sinh năm 1914 tại ấp Tân Hưng, làng Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc) trong 1 gia đình nông dân nghèo. Cha mất sớm nên mới 11 tuổi, ông đã phải lao động cơ cực, không được đến trường như bạn bè cùng lứa.

Hội thảo khoa học về đồng chí Vũ Hồng Đức

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tri Tôn Trần Văn Hợp, do được nung nấu bởi dòng máu yêu nước từ ông nội (người từng tham gia phong trào Cần Vương, về vùng biên cương Tịnh Biên ẩn dật khi phong trào tan rã) nên năm 1930, ông đã tham gia tổ chức thanh niên công khai dưới hình thức đàn ca, đá bóng, song song hoạt động trong tổ chức thanh niên bí mật tên Kôm-sô-môn (bắt nguồn từ Komsomol - 1 tổ chức toàn thanh niên liên bang thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô).

Do ông hoạt động sôi nổi, thường hát những bài ca yêu nước nên bọn tề xã nghi ngờ, theo dõi, ông liền rời quê đến Đa Phước (quận Châu Phú) làm thợ hồ. Năm 1934, sau khi được giáo dục, ông đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, làm liên lạc cho Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Châu Đốc, sau đó được tổ chức đưa vào làm biện (thư ký) trong nhà máy xay lúa An Hòa để vận động công nhân vào tổ chức và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng. Năm 1937, đồng chí Vũ Hồng Đức được kết nạp Đảng. Năm 1938, Chi bộ xã Đa Phước được thành lập, ông làm Bí thư Chi bộ.

Tuy nhiên, do Pháp đàn áp, vây bắt nên năm 1939, ông thoát lên Campuchia lánh nạn. Năm 1941, ông lại về xã Đa Phước tập hợp đảng viên cũ, tiếp tục làm Bí thư Chi bộ. Tháng 5-1945, ông bắt liên lạc với các đồng chí Tỉnh ủy Châu Đốc đã vượt ngục Bà Rá, Tà Lài về địa phương hoạt động, chuẩn bị thời cơ giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Vũ Hồng Đức đã lãnh đạo khởi nghĩa và giành chính quyền 2 quận Tịnh Biên và Tri Tôn. Khi Tỉnh ủy Châu Đốc được thành lập, ông được bầu vào Tỉnh ủy. 

Người cộng sản kiên trung

Giữa năm 1946, đồng chí Vũ Hồng Đức cùng một số đồng chí được Tỉnh ủy phân công về Tri Tôn xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể huyện, xã. Vượt qua khó khăn, nguy hiểm, các đồng chí Vũ Hồng Đức, Nguyễn Trang Thành, Trần Thanh Quế (Mười Ly)… tìm mọi cách bám phum, sóc tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào hiểu rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và tay sai. Được đồng bào bảo vệ, nuôi giấu, các đồng chí đã giác ngộ được nhiều thanh niên yêu nước, dần dần xây dựng được cơ sở cách mạng trong dân.

Tháng 11-1946, Mặt trận Việt Minh huyện Tri Tôn được thành lập, đồng chí Vũ Hồng Đức được bầu làm Chủ nhiệm. Từ lực lượng quần chúng nòng cốt, các chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập ở các xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tú Tề, Yên Cư, Trác Quan và Lương Phi. Tháng 3-1947, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Tri Tôn được thành lập, do đồng chí Vũ Hồng Đức làm Bí thư kiêm Chủ tịch.

Cuối năm 1947, chi bộ của các xã Châu Lăng, Vĩnh Trung, Tri Tôn, Cô Tô, Ô Lâm và An Tức lần lượt được lập lại. Tháng 4-1948, Huyện ủy Tri Tôn chính thức được thành lập, do đồng chí Vũ Hồng Đức làm Bí thư. Tháng 2-1949, ông được Tỉnh ủy Long Châu Hậu rút về tỉnh phụ trách Ban Đảng vận, Ban Khmer vận, Ban Địch ngụy vận. Năm 1951, ông làm Bí thư Huyện Tịnh Biên (bao gồm cả Tri Tôn) cho đến đình chiến (tháng 7-1954).

Cuối năm 1954, tỉnh Châu Đốc được lập lại, đồng chí Vũ Hồng Đức (Tỉnh ủy viên) được phân công phụ trách Tri Tôn và Tịnh Biên, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Tri Tôn (đầu năm 1955). Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Vũ Hồng Đức lãnh đạo cách mạng giành nhiều chiến công ở vùng Bảy Núi. Từ năm 1964-1971, ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang, trực tiếp chỉ huy mặt trận Châu Đốc. Trong trận chiến đấu 128 ngày đêm ở đồi Tức Dụp (từ ngày 18-11-1968 - 25-3-1969), đồng chí Vũ Hồng Đức vượt mọi hiểm nguy, vào tận hang tìm hiểu, động viên bộ đội chiến đấu, làm nên chiến công huyền thoại anh hùng của lực lượng vũ trang vùng Bảy Núi. Tháng 10-1971, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Châu Hà (mới lập), sau đó công tác ở Mặt trận khu Tây Nam Bộ. Năm 1976, ông nghỉ hưu, rồi mất năm 1994 tại Long Xuyên.

Với những công lao to lớn của đồng chí Vũ Hồng Đức cho sự nghiệp cách mạng, nhiều ý kiến cho rằng, cần lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông, đồng thời nghiên cứu đặt tên đường, trường học, dựng tượng đồng chí Vũ Hồng Đức để ghi nhớ công lao, giáo dục thế hệ trẻ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN