Ảnh: THU THẢO
Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng là một người cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khổ, hy sinh, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, đã góp sức làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, báo chí đi đầu trong phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới. Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI (1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chọn “binh chủng” báo chí để chống tiêu cực.
Với bút danh N.V.L, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có những bài viết giúp khai thông mạch chảy của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “thế lực nội xâm”, giúp quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng để đấu tranh chống những kẻ làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân.
Những người làm báo là lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống tham nhũng, đã thông tin kịp thời những sai phạm của cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác này.
Báo chí còn tích cực đưa đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới đến với các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước; phản ánh thực tiễn phong phú, sáng tạo của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực, đồng thời chỉ ra các khó khăn, bất hợp lý trong đời sống kinh tế - xã hội để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lắng nghe, quan tâm thực sự, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc về kinh tế - xã hội, tháo gỡ điểm nghẽn, cổ vũ, động viên những điển hình sáng tạo dám nghĩ, dám làm, đạt hiệu quả cao.
Vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam là không thể phủ nhận, vậy mà thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn phản động đã đồng loạt tán phát bài viết của tác giả N.A có tựa đề: “Sau công an, báo chí Việt Nam cũng là một bè lũ tay sai hèn mạt”. Bằng cách lượm lặt, chắp ghép một số sự việc được dư luận quan tâm, N.A đã lớn tiếng xuyên tạc, cho rằng “báo chí Việt Nam thực chất chỉ là bồi bút, sẵn sàng lao vào chà đạp danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai”. Nếu nhẹ dạ nghe theo một phía, nhìn vài sự việc để đánh giá tổng thể thì những luận điệu của N.A dễ làm suy giảm lòng tin, phủ nhận “sạch trơn” vai trò của báo chí cách mạng trong bối cảnh hiện nay.
Nếu như trong chiến tranh, báo chí góp phần tạo sức mạnh vô cùng to lớn, làm nên những chiến thắng vẻ vang cho dân tộc thì khi non sông thu về một mối, trước những sai lầm của thời kỳ quan liêu, bao cấp, báo chí đã nhen nhóm phát hiện những mô hình “phá rào” nhưng hợp lý. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đi đầu trong giữ vững định hướng chính trị, kịp thời đấu tranh, phê phán những tàn dư cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống những hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu trong xã hội, những quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cùng với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, báo chí còn trở thành một trong những kênh quan trọng để nhân dân gửi gắm niềm tin, khi mà các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề của họ.
Qua vai trò của báo chí, nhiều oan sai, khúc mắc, bất hợp lý… được phát hiện, tháo gỡ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Từ xác minh, phân tích, phản ánh của báo chí, những bất cập trong quy định pháp luật, hiểu sai trong áp dụng pháp luật, những chủ trương, chính sách không phù hợp thực tế đã được ghi nhận kịp thời để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Dĩ nhiên, trong hoạt động báo chí, vẫn có những nhà báo, phóng viên vì lợi ích cá nhân, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có cơ quan báo chí vì lợi ích nhóm, xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời quần chúng nhân dân. Trên thực tế, có nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt, thậm chí đình bản; nhiều nhà báo, phóng viên, kể cả lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự. Điều đó cũng thể hiện rõ sự nghiêm minh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng đang phát động, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, không thể chỉ vì vài vụ việc, chỉ vì những “con sâu” trong làng báo mà phủ nhận hoàn toàn vai trò báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu suy cho kỹ, chính N.A và những kẻ cố tình “nhắm mắt, bịt tai” trước thực tế báo chí nước nhà, bị chi phối bởi những đồng tiền bẩn, mới đang hàng ngày, hàng giờ làm “bồi bút” cho các thế lực thù địch, những kẻ luôn tìm mọi cách phá hoại đất nước.
Để xóa bỏ luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, củng cố niềm tin với nhân dân, chính mỗi người làm báo phải luôn ý thức trọng trách “chiến sĩ cách mạng” của mình; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; cẩn trọng với từng câu chữ, hình ảnh; suy nghĩ cho lợi ích chung, không vụ lợi cá nhân khi đưa bản tin, bài viết lên mặt báo. Các cơ quan báo chí cần triệt để chống biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” một cách tùy tiện. Có như vậy mới tròn trách nhiệm, mới tiếp nối xứng đáng vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua.
N.H