Xuất phát điểm là vùng đất chiến tranh đạn bom tàn phá, Tịnh Biên đã nỗ lực khôi phục kinh tế, từng bước ổn định đời sống người dân. Sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, thị xã vùng biên giới An Giang đã có được diện mạo đô thị khang trang trong niềm tự hào của các thế hệ người dân địa phương.
TX. Tịnh Biên có núi cao hùng vĩ và non nước hữu tình, cùng nhiều huyền thoại tâm linh đặc sắc để phát triển du lịch. Du khách đến với Tịnh Biên có thể thăm thú cảnh đẹp, chiêm bái đấng siêu nhiên tại núi Cấm, miếu Bà Chúa xứ Bàu Mướp hay tận hưởng không khí hoang sơ, độc đáo của rừng tràm Trà Sư. Riêng trong năm 2022, lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ở thị xã đạt hơn 3,04 triệu lượt người, với doanh thu hơn 322,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm những loại hình du lịch sinh thái, du lịch check-in, chạy trail chinh phục địa hình… phù hợp với những người ưa khám phá, trải nghiệm và tận hưởng không khí thanh bình của xứ núi.
Với đường biên giới gần 20km giáp nước bạn Campuchia, TX. Tịnh Biên sở hữu tiềm năng mậu dịch biên giới qua Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đây là cầu nối giao thương quan trọng, giúp kết nối Tịnh Biên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Thị ủy, UBND TX. Tịnh Biên đã cùng các ngành, đoàn thể địa phương tích cực chăm lo đời sống kinh tế, đời sống tinh thần cho bà con với nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, hoạt động văn hóa nghệ thuât giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống Khmer. Hiện nay, đời sống của bà con Khmer đang dần khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của thị xã trong tương lai.
Nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào Khmer, chính quyền TX. Tịnh Biên đã quan tâm xây dựng các công trình thủy lợi vùng cao, mang nước lên tắm mát vùng “sa mạc trắng” tại các địa phương, như: An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung. Từ đó, hoạt động sản xuất tại khu vực này đã thuận lợi hơn, người dân có thể trồng lúa và các loại cây khác ngay trong những tháng mùa khô nên đời sống kinh tế khấm khá hơn.
Chuyển mình lên thị xã, Tịnh Biên đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Những công trình khang trang, những cung đường thẳng tắp giúp khai thông dòng chảy kinh tế, phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch, giao thương biên mậu của địa phương.
Về Tịnh Biên hôm nay, sẽ thấy diện mạo của một đô thị vùng biên giới năng động và mến khách, nghĩa tình. Với tiềm năng sẵn có, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Tịnh Biên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, cùng đoàn kết xây dựng thị xã vùng biên giới ngày càng phát triển trong tương lai.
THANH TIẾN – PHAN HỮU