Chúng ta không thể đến World Cup với những ảo tưởng mà không chăm lo tốt cho việc đào tạo cầu thủ trẻ và biến V-League thành một giải đấu hấp dẫn, có tính chuyên môn cao và đáng để noi gương trong khu vực.
AA
Điều khiến tôi bâng khuâng kỳ lạ là Iceland với dân số chỉ hơn 300 ngàn người, giành vé đến World Cup 2022 tại Qatar. Dù sau đó, họ không vượt vòng bảng, nhưng hành trình kì diệu ấy vẫn để lại rất nhiều suy nghĩ, họ làm được, bao giờ đến lượt chúng ta?
Dĩ nhiên, chẳng có mối liên hệ nào giữa việc một đất nước đông dân sẽ trở thành một cường quốc bóng đá. Quốc gia hơn tỷ dân như Trung Quốc mà vòng loại World Cup nào cũng là cuộc đánh vật thì việc có mặt ở vòng chung kết World Cup 2002 (và bị loại từ vòng bảng) có lẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong lòng cổ động viên nước họ.
Hay như Mỹ, cường quốc theo đúng nghĩa đen ở nhiều khía cạnh, cũng chưa bao giờ đi tới bán kết World Cup. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ không nỗ lực đến cùng. Còn Việt Nam chúng ta, đứng trong số 20 quốc gia đông dân nhất hành tinh và về tình yêu bóng đá cuồng nhiệt chắc phải trong top 5- cũng đã luôn khát khao cháy bỏng ước mơ có tên World Cup.
Sáu năm trước, khi U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu, cảnh ăn mừng với hàng vạn người đội rét và đứng kín đường đón chào thầy trò HLV Park Hang Seo trở về trên chiếc xe bus 2 tầng đã gây ấn tượng mạnh cho bạn bè quốc tế.
Có thể thấy sự cuồng nhiệt bóng đá của người Việt Nam lớn đến nhường nào khi U23 Việt Nam là đội trẻ và thua trong trận chung kết nhưng họ vẫn được chào đón và ăn mừng mà có lẽ xưng vương ở Champions League, vô địch châu Âu hay World Cup cũng chỉ có thể trở về nhà trong vòng tay người hâm mộ như thế.
Một phóng viên phương Tây thường trú ở Việt Nam nói với tôi rằng, không khí đón mừng ấy chẳng khác gì một quốc gia có đội tuyển lọt vào đến VCK World Cup. Và rồi anh đặt câu hỏi: “Đến bao giờ Việt Nam, đất nước cuồng nhiệt bóng đá lần đầu góp mặt ở World Cup?”.
Khi giấc mơ gõ cửa
Không ít nhà bình luận, trong đó có chính tôi từng nghĩ rằng, thành công của lứa U23 ấy chính là nền tảng cho một quá trình xây lên những ước mơ World Cup. Nhưng để trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam có mặt ở vòng chung kết World Cup thật không dễ.
Thực tế, thành công của đội tuyển Việt Nam dưới tay HLV Park Hang Seo trong 5 năm đã tạo ra niềm lạc quan và sự tự tin lớn lao về việc biến ước mơ ấy thành hiện thực.
Khi FIFA công bố World Cup 2026 nâng số đội dự giải lên con số 48, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều suất nữa cho châu Á, một niềm hứng khởi tiếp tục tràn ngập, nhất là khi tuyển Việt Nam đã có lần đầu lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Nhưng đó cũng là hành trình xa nhất mà đội tuyển đạt được trong lịch sử tham dự vòng loại World Cup. Kỷ nguyên Park Hang Seo kết thúc bằng một thất bại (mất chức vô địch AFF Cup vào tay Thái Lan) đưa nhiều người trở lại mặt đất. Sự thật, bóng đá Việt Nam còn chưa ra khỏi khu vực.
Việc người kế nhiệm – thuyền trưởng Philippe Troussier - loay hoay với lứa trẻ trong tay là một thông điệp rõ ràng về việc chúng ta không thể đến World Cup với những ảo tưởng mà không chăm lo tốt cho việc đào tạo cầu thủ trẻ và biến V-League thành một giải đấu hấp dẫn, có tính chuyên môn cao và đáng để noi gương trong khu vực.
Còn xét trên góc độ xã hội? Tôi cứ nhớ mãi câu nói của BLV Quang Huy trong lần trà dư tửu hậu: “Chúng ta sẽ vào World Cup khi không còn ai đi ngược chiều và vượt đèn đỏ”.
Đấy là một câu chí lý, đại ý rằng việc đất nước phát triển về nhiều mặt, trong đó có dân trí cao là một trong những điều kiện quan trọng cho sự phát triển của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Con đường ấy thực sự dài và chông gai, cho thấy bóng đá cũng chỉ là một khía cạnh cuộc sống được hưởng lợi nếu như đất nước thực sự giàu có và văn minh, người dân thực sự mạnh và giàu kiến thức.
“Chúng ta sẽ vào vòng chung kết World Cup khi không còn ai đi ngược chiều và vượt đèn đỏ”, bình luận viên Quang Huy
Vượt ra khu vực
Mục tiêu World Cup mà chúng ta nói đến, ban đầu là 2026 có vẻ sẽ dần lùi xa hơn khi người hâm mộ không còn hoài niệm và ảo tưởng vào sức mạnh của 5 năm nổi trội dưới thời ông Park, mà trở nên thực tế hơn.
Có lẽ, cũng không phải 2030 hay 2034 mà xa hơn thế nữa chúng ta mới biến giấc mơ thành hiện thực. Một nền bóng đá mạnh hơn chúng ta về nhiều mặt trong khu vực như Thái Lan còn chưa làm được điều này thì con đường phía trước của bóng đá Việt Nam còn rất dài. Trừ một khả năng đặc biệt là World Cup được tổ chức ở Đông Nam Á, với Việt Nam là một quốc gia đăng cai!
Một khả năng không nhỏ nữa là nếu mục tiêu 2045 Việt Nam thành một nước phát triển đạt được thì bóng đá cũng nằm trong xu thế đó, World Cup có thể đã ở trong tầm tay ở các giải năm 2046 hoặc 2050.
Như thế, phải ít nhất 1-2 thế hệ nữa, ước mơ World Cup may ra mới trở thành hiện thực và chúng ta vẫn tiếp tục phải vun đắp cho ước mơ ấy không phải chỉ bằng cách hô khẩu hiệu, mà phải hành động.
Iceland có mặt ở World Cup bởi họ đã có một mặt bằng chuyên môn cao trong một châu lục có truyền thống và chất lượng chuyên môn bóng đá phát triển bậc nhất thế giới. Việt Nam cũng sẽ có mặt ở World Cup nếu như đất nước phát triển và trình độ bóng đá được nâng ngang mặt bằng bóng đá đỉnh cao của châu Á, tức là đã vượt ra ngoài Đông Nam Á để có thể cạnh tranh với Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nghĩ đến việc làm sao để đạt trình độ như họ thôi đã thấy quá gian nan. Nhưng, hành trình nhiều năm trước họ đã phấn đấu để bóng đá cùng song hành với sự phát triển của đất nước là một bài học lớn để chúng ta noi theo và lấy làm cảm hứng.
“Bao giờ chúng ta đi World Cup?” không phải là một câu hỏi đúng mà là làm thế nào để vượt tầm Đông Nam Á, từ đó ra biển lớn mới là câu hỏi đáng trả lời cho khát vọng World Cup.
Đường đến World Cup thực sự dài và chông gai, điều đó cho thấy bóng đá cũng chỉ là một khía cạnh cuộc sống được hưởng lợi nếu như đất nước thực sự giàu có và văn minh, người dân thực sự khỏe mạnh và giàu kiến thức.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: