Khi chùa Bà Đanh… lại vắng

25/03/2022 - 06:42

 - Nhập nhoạng tối. Sông Đáy chìm vào tĩnh lặng, khi chiếc xuồng nhỏ dần rời xa. Trên bờ, chùa Bà Đanh cũng nép mình vào núi Ngọc, nương tựa bóng đêm, trầm mặc. Không gian ấy khiến những vị khách phương xa chúng tôi bỗng chốc thả nhẹ bước chân, lắng đọng tâm tình, sợ phá vỡ tĩnh mịch xung quanh.

Chùa Bà Đanh mà tôi nhắc đến có tên gọi khác là Bảo Sơn Tự (di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Người ta hay nhắc đến “vắng như chùa Bà Đanh”, có lẽ phần lớn vì cách trở đường sá, phương tiện đi lại bất tiện. Ngôi chùa tọa lạc trên một “ốc đảo”, người qua kẻ lại thưa thớt. Nhiều lúc, khách khấp khởi đến thăm chùa, rồi lại ngẩn ngơ vì… muốn lụy mà đò chẳng có. Còn hôm chúng tôi đi, chiếc cầu Cấm Sơn tải trọng yếu, không kham nổi cả người lẫn xe. Ngôi chùa ở bên kia dòng sông Đáy, rất gần, mà lại hóa xa vời. Vượt cả ngàn cây số từ Nam ra Bắc, chỉ còn 1 cây số nữa, chẳng lẽ ngậm ngùi quay về?

Khi chúng tôi chuẩn bị tinh thần… cuốc bộ, thì một thanh niên chạy xe gắn máy tới, mời thuê xe điện vào chùa, giá 30.000 đồng/khách/khứ hồi (nhưng không hiểu sao, anh lại tự giảm giá còn 20.000 đồng). Đoạn đường ngắn, chỉ đủ để anh kể chúng tôi nghe một ít sự tích về ngôi chùa, về giai thoại linh thiêng và lòng thành kính của người dân địa phương - mà chắc rằng anh đã tự hào kể đi kể lại rất nhiều lần, cho nhiều đoàn khách.

“Tôi nghe các cụ kể lại rằng, khi chùa đã được xây dựng, một hôm tượng Đức Bà trôi theo dòng sông, dừng lại trước cửa chùa. Mọi người đưa tượng Bà lên, nhanh chóng xây bệ thờ, nhưng chưa tìm được ghế thỉnh Bà ngồi. Bỗng nhiên, có một chiếc ghế trôi vào. Người dân đẩy đi 3 lần, chiếc ghế vẫn quay trở lại. Thế là, họ vớt ghế lên, phát hiện ghế vừa khít tượng Bà. Từ đấy đến nay, cả ghế lẫn tượng Bà đều được đặt trong cung thiêng, chỉ vào 2 ngày hội làng, hội chùa (ngày 16 đến 17-2 (âm lịch) mới được mở cửa để hương khói, cúng lễ” - anh Nguyễn Đại Dương vừa lái xe, vừa kể.

Nếu muốn thăm viếng cơ sở thờ tự hoành tráng, choáng ngợp, thì chùa Bà Đanh không phải là lựa chọn phù hợp. Bởi, ngôi chùa cũ kỹ bằng gỗ lim này hàng trăm năm qua vẫn lánh xa phố thị, không vướng hồng trần, phủ màu thời gian trên từng chi tiết. Chẳng có những góc “check-in” chụp ảnh choáng ngợp. Ngược lại, khách đối diện với cổng tam quan thường đóng im ỉm, tách biệt với thế sự.

Người yêu nét hoài cổ, đam mê nét kiến trúc văn hóa thì mới bị ngôi chùa thu hút. Ngoài nét chung như các ngôi chùa dòng Phật giáo Đại thừa, chùa Bà Đanh vẫn khó hòa lẫn, bởi sự độc đáo riêng có. Điện thờ phong phú với hàng loạt tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp, lẫn tượng của Đạo giáo, như: Thái thượng lão quân, Nam Tào, Bắc Đẩu. Nhà tổ thờ tổ sư phái Thiền tông. Điểm nhấn là pho tượng của tín ngưỡng dân gian - Pháp vũ (trong tứ pháp được thờ ở tỉnh Hà Nam: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp điện, Pháp phong).

Lịch sử ghi nhận: Ban đầu, dân làng lập đền thờ Pháp vũ đơn sơ trong khu rừng đầu làng ven sông Đáy. Đến năm Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1676-1680) mới được xây dựng khang trang. Chùa Bà Đanh gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ, tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn (với tam quan, ngôi chùa chính, tả vu, hữu vu, nhà tổ, phủ mẫu, nhà khách, nhà ni) và các công trình phụ trợ ngoài khuôn viên chùa.

Ngôi chùa được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Pháp phong, tượng Phật, Bồ tát, khánh đá, đại tự, câu đối, nhang án… Sáu bộ vi của tòa bái đường rất đặc sắc, ít nơi có, chạm khắc cả 2 mặt với mô-típ tứ linh, động, thực vật kết hợp với nhau tạo thành “ngũ phúc”, “bát bảo”, bằng nét chạm tinh xảo, hoa văn sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” giờ lạc hậu rồi. Khung cảnh thoát tục ở chùa hôm ấy chúng tôi viếng thăm chẳng qua là do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, khách ngại ghé. “Từ hồi chùa Tam Chúc gần đó được đầu tư, phát triển, kéo theo lượng khách tìm đến chùa Bà Đanh nhiều hơn. Cũng nhờ vậy, đời sống người dân chúng tôi được cải thiện. Nhà tôi mua 4 chiếc xe điện đưa rước khách. Phụ nữ, người già không có việc làm thì bán bánh đa, cơm cháy, rau, hàng chè nước cho khách nghỉ ngơi, ăn uống hoặc mở quầy quà lưu niệm… Có đồng ra đồng vào, đỡ vất vả hẳn” - anh Dương bày tỏ.

Bóng tối bao phủ, mấy bóng đèn vàng không đủ sáng mặt người. Ni sư Thích Đàm Đam ngồi nhai trầu chậm rãi, mở ti-vi để có âm thanh vang vọng xung quanh mình. Tuổi già kéo theo đủ bệnh, đứng lên ngồi xuống đều làm khó bà. Hướng dẫn chúng tôi xem sách giải nghĩa quẻ xăm, bà chia sẻ: “Chùa vẫn cứ giữ nguyên như trước giờ, có lúc muốn đổ nát. Năm 2007, chùa được trùng tu lại trên cơ sở giữ nguyên nét kiến trúc cũ. Chả có ai ở đây ngoài tôi cả! Phật tử đến chùa làm công quả, tối về nhà. Dạo này dịch bệnh, chùa mới vắng, chứ mấy năm trước, phật tử xa gần về viếng, trẩy hội. Hội chùa còn có nghi thức tế lễ truyền thống, lễ cầu an, rước kiệu, trò chơi dân gian (chọi gà, kéo co, đua thuyền chải, cờ người…). Nếu đi ngay dịp ấy, đông vui lắm!”.

Tôi cảm thấy may mắn khi viếng chùa Bà Đanh vào lúc hiếm hoi chùa… vắng. Trong hương khói chiều muộn, cầm quẻ xăm nhẵn bóng dấu tay người, mới cảm nhận được sự nấn níu giữa quá khứ và thực tại, giữa tiền nhân và hậu thế. Là chút tâm tư của người trẻ, khi nhận được lời khuyên bám quê, bám xứ sở trong thơ của Đỗ Phủ: “Cày bừa ngay chính tại quê nhà/ Việc gì phải tính chuyện đi xa…”, khi nhìn nụ cười sáng rỡ của anh Nguyễn Đại Dương trên chiếc xe “nhà mình”.

VẠN LỘC