Khỉ hoang trên núi

10/11/2023 - 05:30

 - Nghe tiếng kêu vang vọng của người đàn ông, bầy khỉ hoang từ trong rừng đua nhau kéo về nhảy nhót trên chót núi. Cảnh độc, lạ này đã tạo sức hấp dẫn lữ khách khi chinh phục núi Kéc.

“Dị nhân” gọi khỉ

Sáng sớm, tiết trời Bảy Núi còn đang ngáy ngủ, lũ khỉ cất tiếng hú gọi bầy vang vọng khắp núi rừng. Từ dưới chân núi Kéc (Anh Vũ Sơn), chúng tôi chuẩn bị máy ảnh, bắt đầu cuộc hành trình chinh phục và khám phá những điều chưa biết nơi đây. Anh Vũ Sơn nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí, ẩn chứa nhiều huyền tích thời “mai danh ẩn sĩ” rất ly kỳ. Cho đến bây giờ, những câu chuyện đó vẫn còn truyền miệng trong dân gian.

Vượt những nấc thang dựng đứng, chúng tôi đặt chân lên tận đỉnh núi với bao nỗi nhọc nhằn, mồ hôi nhễ nhại. Cơn gió vi vu thổi qua, xua tan mệt mỏi trong suốt hành trình vượt đỉnh. Càng lên cao, tiết trời mát dịu, cộng với mây ngàn lãng đãng, làm cho lữ khách thêm vương vấn chốn bồng lai. 

Vào quán nhỏ, chúng tôi gặp anh Lê Văn Thiện (37 tuổi) đang loay hoay nấu từng gói mì chay phục vụ lữ khách. Cùng lúc này, có ai đó kêu trên chót núi, anh Thiện liền nhấc người nhảy vọt lên tảng đá lớn, khuất dần sau vách núi. Những người ngồi trong quán nhìn theo với cặp mắt đầy thán phục trước sự nhanh nhẹn của anh. “Leo núi riết quen. Những tảng đá cao như vậy đối với Thiện không ăn thua gì. Hàng ngày, Thiện còn nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác để gặp bầy khỉ” - chị Phượng (bán hàng trên núi Kéc) tiết lộ.

Rồi chị quả quyết: “Khỉ hoang ở ngọn núi này còn nhiều lắm. Bầy khỉ thường xuyên chạm mặt với chúng tôi. Nhiều lúc, chúng còn kéo xuống quán lấy trộm bánh, trái cây. Gần đây, nhiều người xua đuổi quá, nên đám khỉ rút vào tán rừng trú ẩn”. Ở ngọn núi này, duy nhất chỉ Thiện là người thuần phục bầy khỉ hoang.

Xế trưa, cơm nước xong xuôi, anh Thiện đeo chiếc túi vải trên vai đi thoăn thoắt đến vách đá thoi loi bên triền núi, rồi nhìn xuống vực sâu. Dưới tán rừng kia, chẳng thấy một bóng khỉ. Nhưng không ai ngờ rằng dưới khu vực sâu thẳm ấy là nhà của lũ khỉ. Khi anh Thiện cất tiếng hú, từ trong rừng có âm thanh khỉ “đối đáp”.

Những tán cây chuyển động xào xào. Từ điện Chư Thần, anh Thiện đi một mạch sang vồ đá dựng cheo leo. Bầy khỉ thấy anh như thấy “chủ nhân”, chúng xúm xít vây quanh để đòi “quà”. Anh Thiện lấy phần trái cây trong túi vải ra đưa cho từng con khỉ. Chứng kiến cảnh hiếm hoi này, chúng tôi nhanh tay “móc” chiếc máy ảnh chụp lia lịa.

“Đàn khỉ khoảng 30 con. Môi trường trên núi thuận lợi nên chúng sinh sản hàng năm. Trong bầy khỉ hoang có một con khỉ “chúa”, rất hung tợn, nặng khoảng 30kg. Nó thống lĩnh cả bầy khỉ. Nếu đàn khỉ bị đe dọa thì con khỉ đầu đàn sẽ phát động cả bầy ra tấn công. Các anh đừng lại gần, coi chừng nó cắn…” - anh Thiện cảnh báo.

Bảo tồn đàn khỉ

Hôm chinh phục đỉnh núi Kéc, chúng tôi vô tình bắt gặp con trăn gấm to nằm ngủ trong một căn nhà nhỏ. Anh Thiện phỏng đoán, có lẽ con trăn này được người dân phóng sinh, nặng chừng 10kg. Thấy chỗ này kín đáo nên vào ở tạm. “Từ cái hôm gặp trăn bò vào nơi đây nằm dài thườn, bầy khỉ hoang kéo đến la hét, đập phá những tấm tole trên nóc nhà ầm ĩ. Chúng tra tấn đủ kiểu, con trăn cứ nằm lì ra đó. Trưa nào bầy khỉ cũng kéo đến đuổi trăn đi nơi khác, nhưng bất thành” - anh Thiện kể.

Quê gốc của anh Thiện ở huyện Châu Phú, lên núi Kéc làm công quả quét dọn vồ, điện hơn 5 năm qua. Trong một lần dọn dẹp các ngôi miếu thờ, anh Thiện bắt gặp bầy khỉ thường xuyên đến ăn trái cây của du khách cúng viếng. Không hề xua đuổi, anh cho chúng tự do ăn bánh, trái cây tại các ngôi miếu. Từ đó, loài khỉ thấy anh như người bạn trên đỉnh núi này. Hàng ngày, nếu có lữ khách cúng bánh, trái cây, Thiện dành riêng một phần cho bầy khỉ. Giờ đây, đàn khỉ xem anh như “chủ nhân” trên núi.

Ông Nguyễn Văn Sơn (73 tuổi, một vị tu sĩ sống lâu năm trên núi Kéc) kể, thời xa xưa, động vật hoang dã vùng Bảy Núi nhiều vô kể, chủ yếu cọp, beo, mãng xà... Riêng núi Kéc này, loài khỉ sinh sống khá nhiều. Mỗi lần nghe bước chân du khách lên núi, đàn khỉ từ trong rừng lũ lượt kéo ra quấn quýt bên họ. Thậm chí, nhiều con khỉ hoang còn giật trái cây của du khách. “Hồi trước, ngọn núi này hoang sơ lắm. Lúc đó, tôi đi đốn củi, gánh thuê lên xuống núi gặp khỉ thường xuyên. Đàn khỉ rất dạn, nhưng chưa hề cắn ai” - ông Sơn nhớ lại.

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều người lên núi đánh bẫy, bắt thú hoang. Thậm chí, khỉ cũng bị bắt, khiến cho chim muông, thú rừng không quay về núi. Lúc xưa, ông Sơn còn thấy những người đi đánh bẫy quảy về một rọng thú rừng đủ loại: Nhím, chồn, khỉ… Hồi đó, ông Sơn còn nghèo, nên không có tiền mua lại động vật hoang dã để thả lại rừng.

Làm thuê được thời gian, ông Sơn tích lũy được số vốn mua được vườn tược. Ban đầu, ông mua được 7 công gần mỏ ông Kéc. Hễ nghe ai bán là ông Sơn đến đặt cọc. “Đến nay, tôi đã sang nhượng được hơn 20 công đồi núi. Lúc đó, đầu tư ai cũng chê mình bỏ tiền mua đá” - ông Sơn kể về cách làm táo bạo của mình. Từ khi ông Sơn mua núi, tất cả những loài động vật hoang dã được bảo tồn rất nghiêm ngặt, tuyệt đối không cho ai săn bắt tại khu vực núi Kéc. Nhờ vậy, cá thể khỉ tăng từng năm.

Ngoài ra, mỗi lần thấy người nào đi săn nơi khác dính khỉ còn sống, ông Sơn bỏ tiền túi mua lại thả vào rừng. Nhiều con khỉ bị gãy chân, què tay được ông Sơn mua thả trên núi. Về sau, con khỉ kia dẫn cả đàn về trước ngôi nhà nhỏ của ông Sơn. “Trước đây, có một con khỉ mặt đỏ bị sơn tặc đánh bẫy gãy chân, nặng khoảng 30kg, tôi mua và thả vào rừng. Một năm sau, con khỉ ấy dẫn cả đàn về ở quanh quẩn sau nhà tôi” - ông Sơn nhớ lại.

Trên đỉnh núi Kéc, có một cái hang sâu, khi trời mưa xuống tích trữ đầy nước. Đây là nơi đàn khỉ thường xuyên tới uống nước. Người ta đặt tên hang này là “giếng tiên”. Anh Thiện cho biết, “giếng tiên” còn là nơi giải khát của các loài thú rừng trên núi, như: Chim, rắn, trăn, chồn…

“Hôm rồi, tôi đứng từ điện A Di Đà gặp con khỉ đầu đàn leo lên miệng giếng uống nước, to gần bằng con người. Rằm lớn, lữ khách mang ngũ quả lên núi cúng, bầy khỉ bắt hơi lũ lượt kéo về lấy trộm trái cây. Khỉ dạn đến nổi giựt đồ, đùa giỡn với khách hành hương. Khi có con khỉ nào già yếu chết, tôi đem chôn sâu trong rừng” - anh Thiện bày tỏ...

Hoàng hôn khuất dần sau dãy núi. Đàn khỉ trở về rừng tìm chốn ngủ. Nhanh chân tuột dốc, chúng tôi thầm thán phục trước “dị nhân” thuần phục bầy khỉ hoang trên đỉnh núi Kéc.

Từ lâu, biệt tài gọi khỉ của anh Thiện được nhiều người biết đến. Khi đặt chân lên đỉnh núi, lữ khách phải kiên trì nán lại vài giờ để “mục sở thị” cái tài gọi khỉ về núi của anh, mới cảm nhận được những điều độc, lạ ở chốn non cao này.


HOÀNG MỸ