Khí quyển Trái Đất 300 triệu năm trước bụi hơn nhiều so với ngày nay

25/12/2019 - 14:33

Bầu khí quyển của Trái Đất thời cổ đại cách đây 300 triệu năm bụi hơn rất nhiều so với ngày nay.

Bụi mịn bao phủ thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 1-10-2019. Ảnh: Yonhap-TTXVN

Đây là kết luận của các nhà địa chất Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố mới đây.

Để đưa ra kết luận trên, nhóm chuyên gia do nhà nghiên cứu Mehrdad Sardar Abadi tại Trường Địa chất và Năng lượng Mewbourne thuộc Đại học Oklahoma dẫn đầu đã tiến hành thu thập bụi khí quyển thời cổ đại ở khu vực là tàn dư của một hệ sinh thái vùng biển nông ở Iran ngày nay. Tương tự các khu vực khác của thế giới hiện đại như quần đảo Bahamas, các hệ sinh thái vùng biển nông không thể tồn tại trừ khi nằm trong vùng nước nguyên sơ cách xa dòng chảy của sông.

Sau khi tiến hành nghiên cứu các hệ sinh thái này, các chuyên gia nhận thấy các hạt silicat mà họ tìm thấy được lưu lại trong không khí chứ không phải từ một con sông. Các nhà nghiên cứu đã xác định và thu thập mẫu bụi có trong đá carbonate - một loại đá trầm tích bao gồm chủ yếu là khoáng vật carbonate, và hiện được "bảo quản" tại phần đá lộ thiên ở các vùng núi phía Bắc và Trung Iran.

Các mẫu đá carbonate sau đó đã trải qua một loạt phương pháp xử lý hóa học để tách lấy bụi cổ đại.

Theo các chuyên gia, những gì còn lại là các khoáng chất silicat như đất sét và thạch anh, được cho là đã xâm nhập bầu khí quyển dưới dạng hạt - chính là các hạt bụi 300 triệu năm tuổi. Điều này đồng nghĩa bầu khí quyển Trái Đất trong thời kỳ cổ đại chứa nhiều bụi hơn so với ngày nay. 

Trong nghiên cứu, các chuyên gia cũng đã tiến hành các thí nghiệm địa hóa học để phân tích hàm lượng sắt trong các mẫu bụi thời cổ xưa, qua đó phát hiện bụi khí quyển cổ đại chứa một tỷ lệ đáng kể sắt có khả năng cao tạo ra phản ứng hóa học.

Theo PHAN AN (Báo Tin Tức)